Số liệu Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thi hành Luật Hợp tác xã (năm 2012) vào sáng 6/12 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cho thấy: Tính đến hết năm 2016, toàn quốc có hơn 19.500 hợp tác xã, tăng khoảng 3,07% so với thời điểm cuối năm 2013; thu hút trên 6,2 triệu thành viên tham gia.
Phát triển mô hình HTX nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giải quyết bài toán lao động mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: nguồn VTX |
Trong giai đoạn này, khoảng 5.600 hợp tác xã được thành lập mới và 4.800 hợp tác xã đã giải thể. Tổng số hợp tác xã phải tiến hành chuyển đổi theo Luật là 15.606 hợp tác xã, trong đó 13.094 hợp tác xã đã chuyển đổi và đăng ký lại (chiếm 83,9%); 338 hợp tác xã đã chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác (chiếm 2,87%) và chỉ còn khoảng 2.036 hợp tác xã (chiếm 13,23%) chưa tiến hành chuyển đổi theo Luật do còn vướng mắc một số vấn đề như: tài sản, công nợ...
Doanh thu bình quân năm 2016 đạt trên 3 tỷ đồng/hợp tác xã, tăng 19,8% so với năm 2013; lãi bình quân tăng từ 155 triệu đồng/hợp tác xã năm 2013 lên 196,8 triệu đồng/hợp tác xã năm 2016. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng từ 22,8 triệu đồng năm 2013 lên 31,3 triệu đồng năm 2016.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn tồn tại nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước cũng như hạn chế trong nội tại các hợp tác xã.
Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.
Còn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phát triển kinh tế hợp tác xã mà chỉ bằng động viên sẽ không giải quyết được vấn đề, vậy nên cần có quyết sách về nguồn lực.
Dưới góc nhìn của người từng đứng đầu Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều năm trăn trở với kinh tế hợp tác xã, Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để phát triển hợp tác xã trong thời gian tới như khắc phục nợ văn bản, thống nhất nhận thức về hợp tác xã kiểu mới, hướng dẫn về giải thể hợp tác xã, sớm triển khai hình thành hệ thống kiểm toán hợp tác xã cả nước; nâng số hợp tác xã được hỗ trợ tiếp cận về vốn lên trên 50%; có chương trình hỗ trợ về làm hệ thống xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ hợp tác xã xuất khẩu; gắn nông thôn mới với phát triển hợp tác xã, tỷ lệ nông dân làm nông nghiệp trong hợp tác xã phải chiếm ít nhất 30%...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải đưa Luật Hợp tác xã 2012 vào cuộc sống tốt hơn, giải quyết các nợ đọng về văn bản. Đồng thời, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Chính phủ ban hành nghị định về hỗ trợ liên kết hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các nghị định sửa đổi Nghị định về chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn, Nghị định về giảm tổn thất sau thu hoạch và lập đề án trình Chính phủ phê duyệt đổi mới phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Xây dựng đề án hỗ trợ phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sinh thời Bác Hồ đã nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh.
Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã. Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông hưng thịnh. Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích đã ích quốc lại lợi dân”.
Theo các chuyên gia, với một đất nước có đến 70% dân số làm nông nghiệp, với lợi thế lớn về nguồn lao động, về dư địa đất đai nếu chúng ta làm tốt về mặt cơ chế để kinh tế hợp tác xã lớn mạnh, chúng ta sẽ đạt được 3 mục tiêu: Phát triển nông thôn theo hướng mạnh giàu; không bị ô nhiễm môi trường do các nhà máy công nghiệp và đặc biệt giúp lao động có ngay việc làm trên chính quê hương mình, không phải di dân ra các đô thị khác mưu sinh.
H.Phạm - N.Tuấn/ Lao động thủ đô
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn