Ngoài kế hoạch sản xuất cây lúa hàng năm để đảm bảo kế hoạch lương thực, An Giang có xu hướng chuyển dịch sang các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân ưa chuộng. Ảnh minh họa: Minh Trí-TTXVN
Tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ thực hiện tự chủ hoàn toàn về ngân sách. Để thực hiện mục tiêu này, trong các năm qua, tỉnh An Giang đã tập trung phát triển kinh tế bền vững thân thiện môi trường, dựa trên thế mạnh về nông nghiệp, chủ yếu là cây lúa và con cá tra, đồng thời phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch xanh, du lịch tâm linh… tạo nên bước chuyển biến về kinh tế một cách tích cực, ổn định và bền vững.
Hiện nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đang hướng tới sản xuất bền vững, ngoài kế hoạch sản xuất cây lúa hàng năm để đảm bảo kế hoạch lương thực, xu hướng chuyển dịch sang các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân ưa chuộng.
Theo ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Thống kê tỉnh An Giang, ước tính tổng diện tích gieo trồng cây lúa năm 2017 của tỉnh An Giang đạt gần 649.200 ha, giảm gần 20.000 ha; trong đó các vụ: Mùa, Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông đều giảm diện tích, đồng thời diện tích hoa màu gieo trồng được hơn 60.000 ha, tăng nhẹ so cùng kỳ, diện tích gieo trồng cây lúa giảm chủ yếu do chuyển sang mục đích khác như trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản, do đo đạc lại diện tích.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, Trần Anh Thư cho biết, diện tích gieo trồng cây lúa giảm do chuyển dịch sang cây trồng, nuôi thủy sản khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tổng sản lượng lúa cả năm đạt xấp xỉ 4 triệu tấn, giảm gần 40.000 tấn, nhưng giá trị sản xuất tăng, ước tính giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt mức 160 triệu đồng/ha.
Trong sản xuất cây lúa, tỉnh An Giang đã chú trọng đến việc sản xuất lúa gạo an toàn, nâng chất lượng và tính hiệu quả trong việc trồng lúa như giảm diện tích sản lượng lúa, tăng diện tích sản lượng cây lúa nếp, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Năm 2017, riêng sản lượng cây lúa nếp đã đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 271.500 tấn so với năm trước, mặt khác sản xuất lúa nếp, với yêu cầu về bảo đảm giồng tốt, sản xuất theo quy trình an toàn, sạch bệnh và thị trường tiêu thụ luôn thuận lợi với giá cả luôn đứng ở mức cao so với sản xuất lúa gạo thông thường.
Tuy nhiên để đảm bảo cho kế hoạch sản xuất bền vững, tỉnh An Giang đã thực hiện chặt chẽ việc quy hoạch vùng sản xuất lúa nếp tại huyện Phú Tân và thường xuyên kiểm soát các địa phương “xé rào” sản xuất do sức hút của thị trường.
Trong sản xuất cây lúa hàng năm, xu hướng hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân, từ khâu cung cấp giống lúa chất lượng cao đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, chế biến xay xát và xuất khẩu…đang được nhiều nông dân lựa chọn.
Theo thống kê mỗi năm trên địa bàn tỉnh An Giang có trên 35.400 ha đất sản xuất 2 vụ thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, đã và đang mang lại hiệu quả gia tăng giá trị sản xuất từ cây lúa cho nông dân.
Ngành nông nghiệp Tỉnh An Giang đang thực hiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm lúa gạo ra thị trường ngoài nước.
Trong nhiều năm qua tại tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng và vận hành hai nhà máy chế biến xay xát gạo với công suất là 200.000 tấn/năm/nhà máy.
Các nhà máy xay xát gắn liền với vùng nguyên liệu tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, và xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn cùng các địa phương khác gần với nhà máy chế biến xay xát, với phương thức là Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết với hộ nông dân vùng nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy, cung cấp cho nông dân giống lúa tốt, và áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cao để cung cấp sản phẩm lúa gạo cho Tập đoàn Lộc Trời đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu cho những thị trường khó tính ngoài nước.
Trong khâu chế biến xay xát, nhà máy tập trung xử lý toàn bộ các phế phẩm trong quá trình vận hành nhà máy như tận dụng trấu xay xát lúa ra để dùng đóng thành viên củi trấu phục vụ làm chất đốt, tạo năng lượng điện phục vụ lại việc vận hành nhà máy hoạt động. Quy trình sản xuất từ cây lúa đến hạt gạo xuất khẩu được thực hành đồng bộ, an toàn, và xu hướng này đang phát triển bền vững.
Trong các năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh An Giang đánh dấu bước chuyển biến từ chuyển dịch diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho nông dân.
Năm 2017 tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh An Giang hiện có trên 15.800 ha, tăng 19,2% (tương đương tăng 2.552 ha so cùng kỳ), trong đó diện tích cây ăn trái tăng chủ yếu trên địa bàn huyện Chợ Mới, vừa nhằm phát triển kinh tế bền vững, gắn với phát triển du lịch sinh thái; trong đó, diện tích cây ăn trái đã cho thu hoạch sản phẩm là trên 11.700 ha, tăng 1.607 ha.
Hiện nay, toàn huyện Chợ Mới, An Giang đã hình thành các vùng trồng xoài tập trung. Ảnh minh họa: PVFCCo
Ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư huyện ủy Chợ Mới cho rằng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang hình thành vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái là hướng đi đúng của huyện.
Chợ Mới đang hướng tới mục tiêu phát triên kinh tế bền vững bằng hình thành các hợp tác xã trồng cây xoài ăn trái, kết hợp xây dựng vùng trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; trong đó có thực hiện biện pháp tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm được nguồn nước.
Hiện nay, toàn huyện đã hình thành các vùng trồng xoài tập trung, với các giống xoài chất lượng cao và đang thực hiện kế hoạch nâng dần diện tích cây xoài đạt tiêu chuẩn VietGap đến năm 2018 là 500 ha, phục vụ cho yêu cầu đầu tư bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xuất khẩu sang các nước tiềm năng.
Theo ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh An Giang, do thị trường tiêu thụ chưa có nhiều chuyển biến tích cực, giá bán sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế giảm nên quy mô đàn chăn nuôi gia súc có phần thu hẹp so cùng kỳ năm trước.
Cụ thể là đàn trâu hiện có khoảng 3.800 con, bằng 97,4%, đàn bò có 90.200 con, bằng 95,4% so cùng kỳ, tổng đàn lợn có khoảng 112.000 con, chỉ bằng 93,2% so cùng kỳ.
Nhưng xu hướng chăn nuôi hiện nay đang có bước chuyển tích cực, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh An Giang, với nhiều kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo cho sự phát triển bền vững, bảo vệ tốt môi trường chăn nuôi, sản phẩm gia súc an toàn, và truy xuất được nguồn gốc, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ.
Hiện nay đàn lợn nuôi theo quy mô công nghiệp của hai doanh nghiệp chăn nuôi là Công ty Hoàng Vĩnh Gia và Công ty Việt Thắng trên địa bàn huyện Tri Tôn đang nuôi khoảng 13.000 con lợn, chiếm trên 11,6% đàn lợn trong toàn tỉnh.
Huyện Tri Tôn là huyện miền núi, có đông bà con dân tộc Khơ me sinh sống, với điều kiện đất đai khí hậu có 6 tháng mùa mưa và 6 tháng là mùa nắng nóng. Kinh tế của huyện trước đây chỉ trông chờ vào trồng lúa, nuôi bò với quy mô nhỏ lẻ, bấp bênh.
Năm 2017 đánh dấu bước chuyển tích cực của huyện, khi có nhiều nhà đầu tư vào huyện để phát triển chăn nuôi gia súc, với quy mô lớn, chăn nuôi theo công nghệ tiến tiến vừa kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, chủ động tính toán được đầu vào đầu ra cho hai con lợn và bò.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho huyện Tri Tôn trong phát triển nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích tích cực cho bà con dân tộc trong toàn huyện.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cũng đang triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng bò hơi đáp ứng yêu cầu thị trường và tăng lợi nhuận cho người nuôi, tỉnh An Giang đã hỗ trợ trên 5,4 tỷ đồng phát triển đàn bò thịt, bò cái giống sinh sản chất lượng cao cho người nuôi.
Dự kiến, mô hình nuôi bò ứng dụng công nghệ cao sẽ có mức lãi trên 6,7 triệu đồng/con, tăng gấp 3 lần so với nuôi bò theo truyền thống, đồng thời còn đạt được hiệu quả bền vững cao hơn là chuyển đổi tập quán nuôi bò truyền thống, bảo đảm môi trường chăn nuôi và môi trường sống của nông dân./.
Vương Thoại Trung/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn