Vị lãnh đạo xã mà tôi vừa nhắc tới là ông Bùi Văn Tươi. Dù đã sắp nghỉ hưu nhưng ông Tươi vẫn bị sức hấp dẫn của cây cam làm mê đắm.
Một nông dân Cao Phong chặt bỏ cam vì sâu bệnh |
Năm 2015, hòa chung vào không khí ngùn ngụt khát vọng làm giàu của hàng trăm hộ dân trong xã Tây Phong (huyện Cao Phong), ông Tươi đã chuyển đổi 1 ha đất ruộng trồng cây hàng năm sang trồng cam. Bỏ ra số tiền kiến thiết vườn lên tới vài trăm triệu đồng, ngỡ tưởng vườn cam của mình sẽ cho quả ngọt sau 3 năm chăm bón. Thế nhưng, giấc mơ vừa nhen nhóm như đốm lửa thì bị dội gầu nước lạnh.
Mới được hơn 2 năm tuổi nhưng vườn cam đã mắc “bệnh hiểm nghèo” mang tên vàng lá thối rễ. Nhìn chúng chết dần, chết mòn, ông Tươi phải nhổ bỏ để tránh lây lan. Đào mỗi gốc mất 1 triệu đồng, chỉ trong thời gian ngắn ông phải “hóa kiếp” cho hơn 100 gốc cam, bảo sao không tiếc buốt ruột.
4 năm trở lại đây, diện tích trồng cây có múi (chủ yếu là cam) xã Tây Phong đã tăng thêm hơn 100 ha. Không ít hộ đã chặt keo, phát rừng để trồng cây ăn quả. Thế nhưng, ông Tươi bảo, rất nhiều hộ trồng cam đang gặp khó khăn.
Cam là cây trồng khó tính, nếu không có giống tốt, không am hiểu kỹ thuật chăm sóc thì rất dễ nhiễm bệnh. Trong khi đó, nhiều hộ dân trong xã chủ yếu trồng tự phát, họ không chuyên sâu về thâm canh cam. Rất nhiều vườn cam đã bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy.
Cũng như các xã Bắc Phong, Xuân Phong, Thu Phong, Yên Lập (huyện Cao Phong), ở xã Tây Phong, ngoài đưa cây cam leo đồi, người dân còn đưa cam ra chân ruộng lúa 1 vụ. Đây là nước cờ mạo hiểm, nhất là ở những vùng xen lẫn với địa hình đất dốc.
Thực tế, sự thất bại đã hiện hữu trước mắt. Điển hình như đợt mưa lũ vào tháng 10/2017, lũ quét và ngập úng xảy ra trên địa bàn xã Tây Phong đã khiến gần 40 ha cây có múi thiệt hại. Vị Chủ tịch UBND xã Tây Phong cảnh báo: “Đừng mở rộng diện tích cam bằng mọi giá”. Đó là thứ mật ngọt mà không phải ai cũng đụng vào được.
Ông Bùi Văn Đồng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong chia sẻ: Cây cam không phải là cây rừng, nếu đưa lên những vùng đồi núi có tầng canh tác mỏng, thiếu nước, cây có múi không thể phát triển tốt.
Toàn huyện Cao Phong có khoảng 160 ha cam đang giai đoạn kiến thiết cơ bản (chưa cho thu hoạch) đã bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu để trị. Phần lớn chủ vườn phải nhổ bỏ vì có giữ lại cũng không được thu quả.
Anh Bùi Việt Bách, chủ những đồi cam ngút ngàn tầm mắt lên tới 20 ha ở thị trấn Cao Phong nhận định rằng: Cây cam đã bắt đầu thoái trào. Với tốc độ phát triển như vũ bão, chắc chắn giá cam sẽ giảm sâu, chạm ngưỡng khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong lúc dịch bệnh bùng phát mạnh, nếu người trồng không có kỹ thuật tốt thì “ôm cam chẳng khác nào ôm bom”, anh Bách nói.
Giá cam Cao Phong có thời điểm chỉ 8.000 đồng/kg |
Bà Nguyễn Thị Nghị (khu 1, thị trấn Cao Phong) có vườn cam 6.000 m2. Ngày trước, cam chưa đến vụ thu hoạch đã có người đặt mua. Mỗi ngày bà chuyển xuống Hà Nội nửa tạ cam. Thế nhưng thời điểm chính vụ (tháng 10 -11/2017), giá cam tụt xuống chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng.
Không có thương lái đến mua, bà phải mở một sạp bán trái cây ven QL6 mới tiêu thụ hết. Em bà Nghị cũng có vài hécta cam, năm nay ông tiếp tục mua 1 ha đất ở huyện Yên Thủy để trồng thêm.
“Thấy người ta bảo ở Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn, trồng cam dày đặc trên đồi. Các tỉnh khác cũng phát triển cam ồ ạt. Tôi rất lo giá cam sẽ tụt dốc không phanh giống như cây chanh đào vụ 2017, cho cũng không ai thèm lấy. Nhà tôi phải thuê người nhổ bỏ hơn 100 gốc để chuyển sang trồng bơ hoặc mít Thái”, bà Nghị chia sẻ.
Theo Sở NN-PTNT Hòa Bình, từ năm 2013 đến 2017, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh tăng thêm 6.400 ha (từ 1.661 ha lên 8.100 ha). Trong đó riêng cây cam tăng hơn 3.000 ha (tổng diện tích 3.941 ha), sản lượng thu hoạch đạt gần 56.000 tấn. Và chắc chắn, diện tích, sản lượng cam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018.
Trên thực tế, đến năm 2016, tỉnh này đã “vỡ quy hoạch” cây có múi. Và với xu thế hiện nay, UBND tỉnh Hòa Bình phải quy hoạch bổ sung cây có múi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đạt khoảng 17.5000 ha (giai đoạn 2016 – 2020, diện tích quy hoạch cây cam là hơn 5.000 ha).
Theo khuyến nghị của UBND tỉnh, để cây cam phát triển tốt, địa hình đất đai phải có độ dốc không quá lớn (nhỏ hơn 15o, tầng dày canh tác hơn 1m) để đảm bảo quá trình chăm sóc, canh tác cây có múi, có khả năng cung cấp nước tưới. Tuy nhiên, theo khảo sát tại các huyện Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong, rất nhiều đồi cam độ dốc lên tới 30 – 40o vẫn có bóng dáng cây cam.
Vấn đề đặt ra là, lượng cam khổng lồ của Hòa Bình thời kỳ hậu phát triển nóng trong vài năm tới sẽ tiêu thụ ở đâu? Ông Trần An Định, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở NN-PTNT Hòa Bình) phân tích 3 thị trường: nội tiêu, chế biến và XK.
Nhiều diện tích đất chuyển đổi vô tội vạ sang trồng cam, không tính đến các yếu tố cốt tử là giống, điều kiện canh tác, kỹ thuật chăm sóc ở vùng cam Cao Phong đã khiến cây cam nhiễm bệnh rất nặng. |
Hiện nay, giá thành 1 kg cam của Việt Nam khoảng 7.000 – 8.000 đồng. Trong khi đó, giá thành 1 kg cam của một số quốc gia có sản lượng cam lớn như Úc, EU chỉ khoảng 5.000 đồng. Như vậy, trái cam của Việt Nam không thể cạnh tranh trước hết về giá, chứ chưa nói đến mẫu mã và chất lượng.
Xét ở khía cạnh chế biến sâu (nước cam, tinh bột cam) thì trái cam của Việt Nam cũng không thể địch nổi cam ngoại. Bởi, hàm lượng brix (đường) của cam Việt Nam chỉ khoảng 4 – 5o (trong khi đó hàm lượng brix trong trái cam của các nước khác lên tới 9 – 10o). Có một câu chuyện khá thú vị được ông Định kể.
Trong lần tiếp xúc với GS Lee (hiện đang công tác tại ĐH Hankuk (Hàn Quốc), lãnh đạo Sở NN-PTNT Hòa Bình đã mời ông thưởng thức một trái cam V2 rất ngọt. Sau khi nếm thử, vị GS nói rằng: “Cam của Hàn Quốc ngọt gấp 10 lần”.
Như vậy, sản phẩm nước cam ép của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với cam ngoại. Bài toán thị trường cho cây cam ở thời điểm hiện tại vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ăn tươi tại chỗ.
Vì vậy, hướng đi căn cơ nhất không phải là mở rộng diện tích cam. Tỉnh Hòa Bình chỉ nên giữ ổn định ở chừng mực nhất định. Đồng thời, ứng dụng KH- CN để nâng cao giá trị gia tăng (canh tác theo quy trình VietGAP,…).
Vườn cam của Chủ tịch xã Tây Phong – Bùi Văn Tươi bị chết khoảng 25% vì nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ |
Nếu dự án xây dựng NM chế biến và bảo quản cam của HTX Hà Phong hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm góp phần tiêu thụ khoảng 20 – 25.000 tấn cam. Tuy nhiên, hiệu quả dự án có thực sự như mong đợi hay không thì chỉ thời gian mới trả lời được.
Là người có nhiều năm theo dõi cây cam, ông Nguyễn Hồng Tuấn, GĐ Trung tâm KN- KN Hòa Bình, cho rằng: Chiến lược phát triển cây có múi tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề.
Thứ nhất, chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia về cây có múi, do đó mạnh ai nấy làm. Mặc dù mỗi địa phương đều xây dựng quy hoạch phát triển cây trồng, nhưng dù phát hiện nông dân trồng cây sai quy hoạch cũng không có chế tài để xử lý.
Thứ hai, ở Việt Nam, 70% người nông dân trồng cam không gia nhập Hiệp hội, nên không thể quản lý được. Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các Hiệp hội còn nhiều hạn chế, yếu kém.
“Tại các phiên chất vấn Quốc hội, nhiều ĐBQH truy vấn trách nhiệm của Bộ NN- PTNT khi để nông sản ế thừa. Tôi không đồng tình. Bởi để tìm kiếm, mở rộng thị trường, Bộ Công thương cần hoạt động tích cực. Đưa ra dự tính, dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về khả năng cung ứng nông sản, từ đó ngành nông nghiệp tổ chức, điều tiết sản xuất để tránh dư thừa, dẫn tới giá giảm quá sâu”, theo ông Tuấn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn