Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương ký chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về SXKD vật tư nông nghiệp. Ảnh VGP/Từ Lương |
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường và Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim chủ trì lễ ký.
Mục đích của chương trình phối hợp giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, ngoài danh mục lưu hành, không rõ nguồn gốc; đồng thời phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để tuyên truyền, nhân rộng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Chương trình cũng hướng tới việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; nâng cao năng lực giám sát của cán bộ, hội viên, nông dân; từng bước thực hiện quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp theo quy định pháp luật.
Thực hiện chương trình phối hợp, các bên cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin tình hình diễn biến thị trường về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, không rõ nguồn gốc; những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng… văn bản pháp luật mới ban hành, liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Thay mặt 4 cơ quan tham gia ký kết, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường khẳng định, những nội dung được ký kết giám sát chính là mong muốn của hàng chục triệu bà con nông dân cả nước từ nhiều năm, nguyện vọng chính đáng của những người làm nông nghiệp rất chính đáng. Ông Cường đề nghị các chương trình, nội dung giám sát cần được triển khai bài bản, chắc chắn, khi phát hiện ra sai phạm thì cơ quan nhà nước phải xử lý nghiêm minh, có tính răn đe tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh yêu cầu việc thực hiện giám sát phải gắn với phát huy quyền, trách nhiệm của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Hoạt động phối hợp phải được thực hiện trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thường xuyên, kịp thời, công khai, minh bạch và có hiệu quả.
Thực hiện tốt các yêu cầu của công tác giám sát được ký kết sẽ góp phần chăm lo sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt, đây là một trong những việc làm thể hiện sự quan tâm, chăm lo tới lợi ích chính đáng của người nông dân "một nắng, hai sương".
Việc giám sát nhằm phát hiện và cung cấp cho cơ quan Nhà nước để có chế tài để xử lý những hạn chế, vi phạm trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật và quá trình sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên cả nước. Quá trình giám sát nếu phát hiện mô hình hay, cách làm tốt cần biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong thời gian tới, công tác giám sát cần lựa chọn một số địa phương ở 3 miền để thí điểm, sau đó tổ chức sơ kết vào tháng 12/2014.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn