Ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM nhận định, sự tham gia, chung sức của DN trong đầu tư nông nghiệp và xây dựng NTM đã góp phần giúp thành phố đạt được các thành tựu cơ bản trong xây dựng NTM trong giai đoạn 1 (2010 – 2015) và phát động nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt giai đoạn 2016 - 2020.
Doanh nghiệp - địa phương cùng bắt tay
Là DN chuyên ngành thực phẩm trứng gia cầm và sản phẩm từ gia cầm, từ lâu Công ty TNHH Ba Huân đã gắn bó với Chương trình xây dựng NTM của TP.HCM. Ông Phạm Thanh Hùng – Phó Giám đốc công ty cho biết, nhằm tăng cường hợp tác, liên kết 4 nhà, công ty đã chủ động lập nhà xưởng, mở rộng các đơn vị sản xuất chủ lực tại các xã nông thôn ở thành phố. Tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) công ty đã xây dựng nhà máy xử lý và sản xuất trứng sạch lớn nhất của công ty với mong muốn tạo thêm lực cho phát triển sản xuất của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân thăm Công ty Giày Viễn Thịnh - một trong những DN sớm rót tiền vào đầu tư ở nông thôn. Ảnh: T.Đ
Tương tự, khi tham gia xây dựng NTM, các DN trên địa bàn đã thể hiện vai trò xã hội trong việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Điển hình là Công ty Giày Viễn Thịnh (huyện Nhà Bè) đã phối hợp với xã đào tạo nghề cho người lao động, sau đó nhận lao động vào làm việc ngay tại xưởng của công ty. Về phía chính quyền, UBND thành phố tạo điều kiện thông qua quyết định về sát hạch nghề để sau đó cấp chứng chỉ nghề, đồng thời tạo điều kiện cho các DN, hộ sản xuất vay vốn.
Làm mới chính sách
Theo Chi cục PTNT TP.HCM, giai đoạn 2011-2015, toàn TP đã có 14.827 lượt hộ, DN vay với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng. Trong đó, có 3 DN nhỏ và vừa được hỗ trợ lãi vay với tổng vốn gần 85 tỷ đồng, gồm Doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Kim Chi (sản xuất hoa lan), Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Ngọc Long (nuôi cá sấu) và Công ty TNHH Nấm Trang Sinh.
|
Bên cạnh xây dựng các chính sách ưu đãi cho DN, TP.HCM đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu vực nông thôn để đẩy mạnh giao thương, phát triển sản xuất nhằm thu hút các DN đầu tư về nông thôn. Với cách làm này, có thể thấy rõ hiệu quả từ xã điểm Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) do T.Ư trực tiếp chỉ đạo.
Theo đó, khi xây dựng đề án (năm 2009) trên địa bàn xã có 54 DN, đến khi tổng kết (cuối năm 2011) đã có 159 DN, không chỉ trên lĩnh vực nông nghiệp mà còn trên các lĩnh vực công nghiệp như may gia công quần áo, giày dép, chế biến trà - cà phê, gỗ, rau củ sấy khô, mua bán hàng kim khí điện máy, kinh doanh nhà hàng khách sạn..., góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh vai trò của DN trong xây dựng, theo ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT thành phố, từ cuối năm 2015, Sở đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM thông qua thu hút DN. “Thành phố sẽ có các giải pháp như: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện DN nắm bắt, hưởng thụ chính sách; tháo gỡ khó khăn trong quá trình DN đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng NTM qua khảo sát nhu cầu, khả năng của DN; tăng cường phối hợp với DN trong công tác dự báo sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề; tiếp tục thực hiện các chính sách tài chính trong phát triển NTM có liên quan đến DN; xem xét, đề xuất bổ sung, ban hành các chính sách phù hợp với từng thời điểm và hoàn cảnh thực tế nhằm huy động các nguồn lực đa dạng hơn. Đặc biệt là nghiên cứu chính sách khuyến khích DN phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2016 - 2020…”- ông Hổ cho biết.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn