Nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cần nhân ra diện rộng |
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã đào tạo và phối hợp đào tạo cho 1.970 lao động nông thôn; trong đó Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân DN&HTND tỉnh trực tiếp đào tạo nghề nông nghiệp cho 495 lao động nông thôn đạt 76% so với kế hoạch giao, công tác dạy nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động; tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội.
Thực hiện đề án hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm, trả góp, Trung tâm DN&HTND đã ký Hợp đồng với Công ty Sao Việt và Bình Điền cung ứng 1.051 tấn phân bón cho 63 xã của 10 huyện, thị, thành phố. Hội Nông dân các cấp đã vận động một cách sáng tạo, bằng nhiều hình thức hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật sản xuất, các loại con, cây giống, phương tiện sản xuất... giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Ngoài ra, Trung tâm triển khai công tác tư vấn, tuyển sinh du học và xuất khẩu lao động; Phối hợp với các cấp Hội cùng khảo sát đối tượng có nhu cầu tham gia chương trình du học, xuất khẩu lao động để tổ chức tư vấn; đồng thời ký kết hợp đồng với các đơn vị có chức năng làm công tác du học và xuất khẩu lao động ở thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã bàn giao cho Trung tâm phát triển việc làm phía Nam 62 học viên, số lao động trúng tuyển là 47 học viên trong đó có 14 học viên đã xuất cảnh sang Nhật Bản.
Thực hiện Công văn số 1516-CV/HNDTW của Ban Thường vụ TW Hội Nông dân việt Nam; Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND của Ủy Ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về “Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản” trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng được 32 mô hình trình diễn trên các loại cây trồng, 29 mô hình chăn nuôi, 22 mô hình nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường mang lại hiệu quả kinh tế cao để nhân ra diện rộng.
Ngoài ra, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 58 lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; sử dụng tin học, ứng dụng công nghệ sản xuất, nắm bắt thông tin, giúp cho nông dân định hướng được quy mô sản xuất loại sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường với 2.900 người tham dự; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể cho 1.760 cán bộ, hội viên, nông dân hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn, xây dựng được 28 mô hình kinh tế tập thể hoạt động đạt hiệu quả kinh tế cao.
Công tác xây dựng và quản lý Quỹ HTND của các cấp Hội được duy trì, đến nay dư nợ 38,462 tỷ đồng; với Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện ủy thác nguồn vốn cho hội viên nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, với tổng dư nợ cho vay đến nay hơn 1.193 tỷ đồng, giúp cho 51.293 lượt hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, tham quan học tập kinh nghiệm làm ăn trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như Hội ND các xã của huyện Duy Xuyên, Tiên Phước, Hiệp Đức, Đại Lộc tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài huyện để các hộ học tập về phát triển kinh tế gia đình.
Với mục tiêu đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế-xã hội, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng cụ thể, sâu sát, hướng về cơ sở. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng và Quỹ Hỗ trợ nông dân; chú trọng tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề, nhân rộng các mô hình kinh tế tiểu biểu, góp phần cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Hội.