Tuy nhiên, đến nay sau hơn ba năm triển khai đề án, đàn lợn không giảm mà lại còn tăng mạnh, với tốc độ tăng đàn của năm 2015 và năm 2016 từ 3,7 đến 4,7%/năm so với mức tăng trung bình từ 1,5 đến 2%/năm của giai đoạn 2010 - 2014, đưa tổng đàn lợn cả nước lên tới hơn 29,2 triệu con, trong đó có đến 4,2 triệu lợn nái.
Sản lượng thịt lợn hơi năm 2016 tăng 5,3 % so với năm 2015 và tăng cao nhất từ 5 năm gần đây. Hậu quả là giá lợn những tháng cuối năm 2016 và nhất là trong quý I, quý II năm 2017 đã giảm sâu và lâu nhất, đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đẩy nhiều doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi lợn rơi vào tình cảnh thua lỗ.
Ðể giúp người chăn nuôi vượt qua “cơn bão giá”, thời gian qua, một mặt ngành chăn nuôi đã phải loại khỏi đàn nái 500 nghìn con, đồng thời tìm mọi biện pháp giảm chi phí sản xuất, cũng như hỗ trợ tài chính và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn. Mặt khác kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân cùng tham gia tiêu thụ thịt lợn. Nhờ vậy sau nhiều tháng “loạn nhịp”, từ đầu tháng 7 đến nay, giá lợn hơi tiêu chuẩn đạt mức từ 36.000 đến 38.000 đồng/kg, nghĩa là đã tăng lên từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, bước đầu giúp người chăn nuôi lợn hòa vốn, có lãi chút ít. Song đây chỉ là những giải pháp tình thế, thiếu bền vững. Những ngày đầu tháng 9 này, tại một số địa phương, giá lợn đang có dấu hiệu quay đầu giảm. Do đó, cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường và tổ chức sản xuất theo các chuỗi liên kết, bảo đảm phát triển bền vững về cả kinh tế, môi trường và an sinh cho người chăn nuôi.
Muốn vậy, phải tổ chức lại sản xuất từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, bảo đảm điều kiện nuôi tốt về chuồng trại, con giống, cũng như truy xuất nguồn gốc; đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng lợn “đặc sản” ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị; đề cao vai trò của doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi, vừa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, vừa tuyên truyền cho bà con nông dân về tầm quan trọng và sự cần thiết phải liên kết trong chăn nuôi. Ngoài ra, cần thay đổi công tác quản lý nhà nước, từ tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm soát thị trường, đến xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn