Đặc biệt, từ ngày 10-2-2014, Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nếu thỏa mãn các tiêu chí đặt ra như xây dựng vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao... thì được miễn giảm tiền sử dụng đất và hỗ trợ vốn, đầu tư hạ tầng, xúc tiến thương mại. Chính vì thế, không ít công ty niêm yết đã chuyển trọng tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Lĩnh vực nông nghiệp đang thu hút nhiều doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Ảnh: Trung Chánh |
Bất động sản (BĐS) “di cư” sang nông nghiệp
Dựa vào các cụm chợ đầu mối do công ty con của mình quản lý, Công ty cổ phần (CTCP) Phát triển nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) tận dụng kênh này đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông lâm sản. Bước đầu, công ty này đã có nhiều giao dịch thành công với các mặt hàng nông sản như sắn lát, hạt điều, bắp... đạt doanh thu ban đầu là 5 triệu đô la Mỹ.
Khởi đầu thuận lợi đã tạo tiền đề cho công ty đặt ra định hướng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là sắn lát và dăm gỗ sang thị trường Trung Quốc, bắp sang thị trường Nhật Bản. Mặc dù biên lợi nhuận từ hoạt động này hiện vẫn thấp nhưng doanh thu lại luôn ổn định và tăng trưởng tốt.
Việc nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp sẽ tạo sự kích thích tốt cho ngành nghề có thế mạnh truyền thống của Việt Nam. |
Chiến lược chuyển hướng sang nông lâm và khoáng sản đã giúp giải quyết được vấn đề dòng tiền cho Nhà Thủ Đức ở thời điểm khó khăn. Trong năm 2014, công ty đặt mục tiêu đạt 192 tỉ đồng doanh thu xuất nhập khẩu nông lâm sản và mở rộng thị trường xuất khẩu tới Singapore, Úc, Trung Quốc. Tiêu chí mở rộng của công ty là tới các thị trường gần nhằm giữ chi phí vận tải ở mức thấp và có thời gian thanh toán nhanh.
Năm 2014 tập đoàn Tân Tạo (HOSE: ITA) đưa ra thị trường sản phẩm gạo sạch nhãn hiệu Nàng Yến, nếp sạch nhãn hiệu Vua Liêu. Cùng lúc, doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng nhà máy xay xát dự kiến sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7-2014, nhằm đảm bảo chu trình sản xuất khép kín để sản xuất gạo sạch đã làm tăng 40% giá trị dinh dưỡng và đặc biệt đã giúp tăng năng suất và thu nhập cho nông dân 30%.
Bên cạnh đó, Ita Rice cũng đưa vào hoạt động nhà máy sấy diện tích 2.500 mét vuông với công suất 50 tấn/mẻ. Mục tiêu của Tân Tạo là hợp tác với nông dân để đạt 50.000 héc ta trồng lúa sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP vào cuối năm 2015, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm gạo sạch của người tiêu dùng trong nước, đồng thời chuẩn bị để xuất khẩu sản phẩm gạo sạch thương hiệu Việt Nam.
Sau nhiều năm chật vật trong lĩnh vực BĐS, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) cũng quay lại tập trung phát triển ngành nghề truyền thống của mình là nuôi trồng nông, lâm sản. Trong năm 2013, doanh thu mía đường của HAG đạt 838 tỉ đồng, vượt 131% kế hoạch năm và là sản phẩm có tỷ trọng doanh thu cao nhất (30,2%).
Bên cạnh việc phát triển và nâng cao công nghiệp nuôi trồng ở Việt Nam, HAG còn mở rộng cánh đồng mía, rừng cao su của mình sang các nước Đông Nam Á lân cận. Điểm mạnh của HAG là áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào hoạt động nông lâm nghiệp của mình. Trong năm 2013, HAG đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh Attapeu tại Lào với công suất 25.000 tấn/năm.
Cũng trong 2013, HAG đã khánh thành nhà máy sản xuất mía đường với công suất 2.700 tấn mía/ngày và nhà máy nhiệt điện chạy bằng bã mía với công suất 30 MW. Tính đến ngày 31-12-2013, HAG đã có 44.500 héc ta cao su, 10.000 héc ta mía, 12.300 héc ta cọ dầu. Trong thời gian tới, HAG đang xây dựng nhà máy chế biến dầu cọ với công suất dự tính là 45 tấn quả tươi/giờ, đủ phục vụ cho diện tích 9.000 héc ta. Đồng thời diện tích trồng cọ dầu cũng sẽ tăng thêm 7.000 héc ta với mục tiêu 30.000 héc ta cọ dầu trong năm 2015. Một sản phẩm nông nghiệp nữa là bắp cũng được đưa vào phát triển trong 2014 với diện tích triển khai là 5.000 héc ta với kế hoạch cho vụ mùa đầu tiên là 10 tấn/héc ta nhằm phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cho thị trường Việt Nam.
CTCP Đầu tư thương mại BĐS An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) cũng phải chuyển hướng kinh doanh sang nông nghiệp do gặp nhiều khó khăn trong công việc kinh doanh BĐS. Cuối năm 2013, công ty đã góp 26 tỉ đồng (tương đương 51%) để thành lập công ty con là CTCP Đầu tư và Thương mại Ascentro với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nông sản, thức ăn thủy sản, bán buôn thóc và các loại ngũ cốc.
Tập đoàn đa ngành Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) cũng đặt trọng tâm đầu tư vào nông, lâm nghiệp như một ngành nghề chiến lược bên cạnh ngành nghề truyền thống là vận tải và thương mại dịch vụ.
Trước thực tế hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2014 do thua lỗ ba năm liên tiếp, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2014, lãnh đạo của CTCP Sông Đà 19 (HNX: SJM) lên kế hoạch thoái vốn ở nhiều dự án xây dựng và các công ty con, công ty liên kết, đồng thời tổ chức cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư với định hướng nhắm vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, với chỉ 8 tỉ đồng dự kiến đầu tư cho lĩnh vực này, thì Sông Đà 19 sẽ gặp khá nhiều khó khăn do chưa có quỹ đất nông nghiệp và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Qua việc bổ sung vào giấy phép kinh doanh của mình các ngành nghề nông nghiệp như trồng rừng, cao su, gạo, chăn nuôi... CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (HOSE: PDR) cũng cho thấy ý định mở rộng đầu tư vào nông nghiệp chứ không chỉ tập trung vào BĐS.
Nông nghiệp thu hút cả thương mại dịch vụ và tài chính chứng khoán
Không chỉ các công ty BĐS chuyển hướng tới nông nghiệp, các công ty thương mại dịch vụ và tài chính cũng bộc lộ nhiều quan tâm tới lĩnh vực này. Hai công ty niêm yết trên sàn giao dịch TPHCM (HOSE) do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị là CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) và CTCP Xuyên Thái Bình (HOSE: PAN) đều có những hoạt động đầu tư liên quan sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cuối năm 2013, SSI và tập đoàn LR Group của Israel đã ký kết hợp tác huy động 150 triệu đô la Mỹ chuyên đầu tư vào các công ty trong chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm ở Việt Nam và Đông Nam Á. Quỹ này sẽ được quản lý bởi một công ty con của SSI là Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM).
Ngoài ra, chiến lược “đồng hành và phát triển cùng công ty liên kết” của SSI cũng tập trung đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (HOSE: SSC), Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương (HOSE: NSC), CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG), CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (HOSE: LAF) và CTCP Khử trùng Việt Nam (HOSE: VFG). Tại các doanh nghiệp này, SSI đều có đại diện là thành viên hội đồng quản trị nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Nông nghiệp luôn là một trong những mảng kinh doanh chính của CTCP Xuyên Thái Bình từ nhiều năm gần đây. Công ty luôn có tỷ trọng vốn đầu tư đáng kể ở những công ty thủy sản. Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) là công ty liên kết của PAN từ tháng 7-2012 cho tới tháng 12-2013 thời điểm công ty thoái vốn khỏi AGF sau khi đã nắm giữ 54,6% cổ phần của Thủy sản Bến Tre, biến công ty này thành công ty con của PAN từ tháng 5-2013.
Tháng 4 vừa qua, PAN tiếp tục mua thêm cổ phiếu của NSC để từ đó sở hữu 20,62% cổ phần của NSC, biến công ty này thành công ty liên kết của mình. Hội đồng quản trị của PAN cũng có nhiều thành viên có chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp.
Điểm nghẽn trong nông nghiệp từ nhiều năm qua vẫn là việc hoạt động chủ yếu ở mô hình hợp tác xã và hộ gia đình cá thể dẫn tới những yếu kém về vốn cũng như công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp. Việc nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp sẽ tạo sự kích thích tốt cho ngành nghề có thế mạnh truyền thống của Việt Nam.
Nguồn thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn