Hộ mới thoát nghèo có thêm cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một số địa phương có dư nợ cho vay cao như Thanh Hóa 96,3 tỷ đồng, Cần Thơ 50 tỷ đồng, Lâm Đồng 47,4 tỷ đồng, Đắk Lắk 29,5 tỷ đồng... Các địa phương còn lại đã hoàn thành thủ tục tập huấn, xác nhận danh sách và tiếp tục triển khai cho vay trong tháng 10.
Theo Quyết định 28, những hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh với mức tối đa không quá 50 triệu đồng từ NHCSXH, lãi suất cho vay bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (8,25%/năm hoặc 0,6875%/tháng) với thời hạn tối đa 5 năm. Thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản, trình tự vay và trả lãi, gốc cũng tương tự như các chương trình tín dụng chính sách khác mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã quen, nên thuận lợi đối với hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, UBND cấp xã lập danh sách các hộ mới thoát nghèo, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện phê duyệt và làm cơ sở xác nhận để NHCSXH cho vay.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo nhanh và bền vững, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc thay đổi cách tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều cần có sự rà soát các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo một cách tổng quát nhất, bởi chính sách dành cho hộ nghèo, người nghèo hiện nằm ở hầu khắp các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”.
Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chí như chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo chính sách, chuẩn mức sống trung bình (về thu nhập); chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chưa tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản… để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020.
Sau khi tổng hợp rà soát sẽ có đối chiếu, so sánh để tìm ra những bất cập hoặc những “khoảng trống” trong các chính sách chưa hỗ trợ đầy đủ cho người nghèo.
Trên cơ sở rà soát các chính sách sẽ đối chiếu vào các phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra để xác định chuẩn nghèo và hỗ trợ người nghèo.
Bộ Tài chính cần xem xét và cân đối các phương án để đảm bảo tài chính thực hiện. Việc cân đối tài chính cần được tính toán tổng thể, ví dụ nếu tăng bảo hiểm y tế thì có lĩnh vực nào được giảm đi không, hoặc tăng chi phí dịch vụ y tế thì ngân sách sẽ thu về bao nhiêu để dùng cho hỗ trợ người nghèo…
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện một số nội dung về cân đối tài chính và các đánh giá tác động xã hội của các phương án, sớm trình Chính phủ xem xét.
Để xác định chuẩn nghèo và phương thức hỗ trợ các hộ nghèo trong giai đoạn tới theo đề án “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đòi hỏi sự rà soát tổng thể kỹ lưỡng chính sách nhưng phải bắt kịp với thực tế đời sống để sớm triển khai các chính sách cho người nghèo.
Xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; xây dựng mức sống tối thiểu để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân, trước mắt áp dụng chuẩn nghèo chính sách để phân loại đối tượng hộ nghèo, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
P.V
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn