Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, huyện Sóc Sơn đã tích cực, chủ động khai thác và huy động các nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó, Sóc Sơn trở thành địa phương dẫn đầu TP về thu hút nguồn vốn xã hội hóa.
Thành quả từ sức dân
Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của TP Hà Nội thời điểm chưa hợp nhất (trước ngày 1/8/2008), cơ sở hạ tầng của huyện Sóc Sơn nhìn chung còn rất nhiều khó khăn. Dù đã được TP quan tâm đầu tư, tuy nhiên, do ngân sách có hạn nên hạ tầng giao thông của huyện vẫn còn hạn chế. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, đầu năm 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn đã đóng góp trên 203 triệu đồng nâng cấp tuyến đường qua thôn Gò Gạo. Mới đây, hộ bà Lê Thị Thúy Nga ở xã Thanh Xuân cũng hỗ trợ 260 triệu đồng để rải Asphalt tuyến đường dài gần 500m qua thôn Thanh Nhàn. Không chỉ gia đình ông Tiến, bà Nga, những năm qua, hiến đất làm đường đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp tại huyện Sóc Sơn, thu hút sự tham gia, đóng góp ngày công lao động, tài sản của đông đảo các tầng lớp.
Một tuyến đường giao thông được kiên cố hóa đi qua xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thu Trang cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hai của Chương trình số 02/Ctr/TU được địa phương xác định là kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù của UBND TP. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Nhân dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã hiến tổng diện tích 7.527,2m2 đất thổ cư trị giá trên 15 tỷ đồng, cùng hàng nghìn ngày công và hàng chục tỷ đồng giá trị tài sản khác để mở rộng hệ thống đường giao thông, tạo diện mạo nông thôn ngày một khang trang.
Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân
Chia sẻ về cách làm của địa phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết: Huyện luôn xác định thực hiện có hiệu quả Chương trình số 02 Ctr/TU là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Theo đó, huyện thường rà soát, đánh giá, lựa chọn và bố trí những cán bộ có uy tín, năng lực, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng NTM. Nhưng theo ông Phương, phát huy vai trò làm chủ và trách nhiệm của Nhân dân mới là yếu tố quyết định thành công của chương trình. Thống kê của Văn phòng Điều phối NTM TP cho thấy, từ năm 2016 đến nay, huyện Sóc Sơn đã huy động được tổng nguồn vốn 1.312 tỷ đồng phục vụ xây dựng NTM. Trong đó, nguồn vốn xã hội hóa trên 191 tỷ đồng, dẫn đầu toàn TP về kinh phí huy động từ Nhân dân. |
Để làm được điều này, huyện Sóc Sơn xác định rõ các nguồn lực và tỷ lệ huy động của từng nguồn lực, thời gian cụ thể trong thực hiện đề án xây dựng NTM. Ngoài nguồn ngân sách, địa phương đa dạng hóa giải pháp huy động nguồn lực trong xã hội, nhất là khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó là huy động sức dân với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cũng nhấn mạnh: Việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của TP được coi là đột phá quan trọng cho xây dựng NTM. Dù vậy, trong bối cảnh việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác này đang ngày một trở nên khó khăn hơn, ông Phạm Xuân Phương kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí để địa phương đầu tư, đưa 3 xã Việt Long, Bắc Phú và Minh Phú đạt chuẩn NTM năm 2018, phấn đấu về đích “Huyện nông thôn mới” trong năm 2019.