Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ... đã có chính sách hỗ trợ tài chính cho người dân sử dụng nước xả sau biogas cho mục đích trồng trọt để giảm phân bón hóa học.
Ở nước ta, các dự án phi chính phủ của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) cũng đưa ra khuyến cáo người dân sử dụng nước xả sau biogas cho mục đích tưới vườn. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc gia, Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra quy chuẩn hay tiêu chuẩn gì để khuyến khích người dân tái sử dụng nước xả sau biogas.
Sử dụng nước hầm biogas tưới cho cây trồng giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, giảm chi phí đầu tư phân bón. Ảnh: Minh Phúc. |
Quy chuẩn QCVN 62 và QCVN 08 của Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định nước thải ra môi trường hoặc vào các hệ thống tưới tiêu rất cao. Bởi vậy, nếu cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp xử lý nước xả sau biogas theo các quy chuẩn đó thì sẽ không còn giá trị dinh dưỡng để tưới cho cây trồng nữa.
Hiện tại, do yêu cầu của sản xuất, Quốc hội đã đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Bộ NN-PTNT nghiên cứu điều chỉnh các quy định nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tái sử dụng nguồn tài nguyên chất thải chăn nuôi cho mục đích trồng trọt.
Được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đã phối hợp với Cục Chăn nuôi và các đơn vị liên quan nhằm đề xuất điều chỉnh chính sách nhằm ban hành các quy định, quy chuẩn cho phép người dân sử dụng nước xả sau biogas cho mục đích trồng trọt trong khuôn viên các trang trại, nếu chủ trang trại thải nước xả chăn nuôi ra môi trường chung thì mới phải tuân thủ theo QCVN 62.
Song song với tham gia đề xuất chính sách, dự án LCASP đã nghiên cứu và chỉ ra một số hạn chế cơ bản trong việc sử dụng nước xả sau biogas để tưới cho cây trồng ở nước ta.
Thứ nhất, nước xả sau biogas ở những hầm biogas quá tải thường có hàm lượng chất hữu cơ chưa phân hủy cao, có thể gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Thứ hai, mỗi loại cây trồng có độ mẫn cảm khi tưới bằng nước xả sau biogas khác nhau vào các giai đoạn sinh trưởng khác nhau (cây lúa, cây bưởi... cần hòa loãng trước khi tưới, cây cao su, cây keo, cỏ voi... có thể chịu được nồng độ nước xả sau biogas đậm đặc) nhưng người dân chưa được hướng dẫn các quy trình xử lý và sử dụng nước xả sau biogas để tưới cho các loại cây trồng khác nhau.
Thứ ba, nhiều trang trại chăn nuôi ở trong khu dân cư nên thiếu diện tích trồng trọt xung quanh đủ lớn để sử dụng hết nước xả sau biogas tưới cho cây trồng.
Từ những phân tích trên, dự án LCASP đã triển khai một số mô hình sử dụng nước xả sau biogas để tưới cho cây trồng. Các mô hình này đã khắc phục được các hạn chế nêu trên. Cụ thể, nước xả sau biogas cần được xử lý bằng vi sinh hoặc thời gian lưu trong hầm biogas đủ để hoai và tiêu diệt hết các mầm bệnh trước khi sử dụng để tưới.
Cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tái sử dụng nguồn tài nguyên chất thải chăn nuôi cho mục đích trồng trọt. Ảnh: Q. Nhiên. |
Dự án đã nghiên cứu và bước đầu đưa ra các hướng dẫn cho người dân sử dụng nước xả sau biogas để tưới cho các loại cây trồng khác nhau. Bên cạnh đó khuyến cáo các trang trại chăn nuôi thành lập mới cần ở xa khu dân cư và có diện tích trồng trọt xung quanh đủ lớn để sử dụng hết nước xả sau biogas, khuyến khích các trang trại áp dụng công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước.
Để có luận cứ thực tiễn chứng minh quan điểm trên, các chuyên gia của dự án LCASP đã phân tích hiệu quả kinh tế khi đầu tư mô hình sử dụng hệ thống tưới bằng nước xả sau biogas của hộ ông Thân Văn Thành (TP Bắc Giang).
Để sử dụng hết lượng chất thải sau khi xử lý bằng hầm biogas, ông Thành đầu tư hệ thóng tưới tiết kiệm (70 triệu đồng/ha). Tổng chi phí hàng năm cho vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, khấu hao (10%) và lãi suất vay (8%/năm) khoảng 14,05 triệu đồng. Lợi ở chỗ, chi phí phân bón hóa học giảm 70%, công lao động tưới vườn giảm 6 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm từ vườn cam đạt 92 triệu đồng, lợi nhuận hàng năm đạt 65,35 triệu đồng; tỷ suất lợi nhuận đạt 93,3%. Với hiệu quả kinh tế như trên, chỉ trong thời gian chưa đầy 1 năm là gia đình ông Thành đã hoàn vốn đầu tư.
Sử dụng phế phẩm trồng trọt theo chuỗi giá trị Vừa qua, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp Trung ương (LCASP) đã phối hợp cùng BQLDA tỉnh Nam Định đi thăm, kiểm tra các hoạt động của gói thầu 28: Nghiên cứu sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm trồng trọt theo chuỗi giá trị tại Nam Định và Hà Nội. Đoàn đã thăm, kiểm tra hai điểm mô hình thí nghiệm sử dụng rơm tươi ủ urê nuôi bò tại hai trang trại chăn nuôi trâu bò Nguyên Vẽ tại xã Xuân Hồng và trang trại nuôi bò Dũng Thu tại xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường. Thông qua đó, BQLDA nắm bắt ý kiến phản hồi của chủ trang trại về phương pháp thu gom kết hợp xử lý rơm tươi với 4% urê bằng hệ thống máy phun cuộn ngay tại ruộng. Mỗi cuộn rơm tươi sau khi xử lý được cho vào túi ủ riêng rẽ và và vận chuyển về kho bảo quản từ đầu tháng 6/2019. Trong các điểm mô hình này, bò được cho ăn rơm tươi ủ 4% urê với các tỷ lệ thay thế cỏ tươi khác nhau để xác định tỷ lệ cho ăn phù hợp nhằm duy trì được tăng trưởng của gia súc và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi trâu bò. Đồng Thái |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn