Tham gia dự án, nông dân được tập huấn, chuyển giao quy trình canh tác an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa. Nhờ vậy, nông dân giảm chi phí, năng suất, chất lượng lúa gạo tăng lên, lợi nhuận tăng từ 15 đến 20% so với trước. Ông Thái Văn So, ở ấp Đông Thắng, xã Đông Bình, huyện Thới Lai có 12 ha đất trồng lúa ba vụ. Do sản xuất lúa theo tập quán nên thường sạ với mật độ dày trung bình 160 kg/ha, phân bón 400 kg/vụ và tám lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đầu tư hơn 11 triệu đồng/ha. Tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, ông được tập huấn kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, đồng thời áp dụng thực nghiệm trên mảnh ruộng của mình. Vụ lúa thu đông 2017 vừa qua, nhờ áp dụng máy sạ hàng, “3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm” lượng lúa giống chỉ còn 130 kg/ha, phân bón giảm 100 kg, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm ba lần nên tiết kiệm chi phí gần năm triệu đồng/ha. Ông Thái Văn So phấn khởi nói: “Nông dân thường sản xuất lúa theo thói quen nên số lượng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng nhiều hơn mức cần thiết. Biết được quy trình sản xuất lúa bền vững theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe bản thân và cộng đồng”. Bên cạnh đó, để chuyển đổi nông nghiệp bền vững, dự án còn khuyến khích nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa. Đến nay, Có bảy HTX ở ba huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh được hỗ trợ đầu tư chín trạm bơm điện và hệ thống cống, năm nhà kho lò sấy, năm máy sấy, một máy tách hạt và máy cuộn rơm, với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng. Cán bộ Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn nông dân huyện Cờ Đỏ sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh trên lúa. Ông Phạm Hữu Bích, Giám đốc HTX nông nghiệp An Xuân, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ cho biết: “Từ khi HTX được hỗ trợ hệ thống trạm bơm điện và cống tưới tiêu, việc sản xuất lúa của hơn 200 hộ xã viên với gần 500 ha thuận lợi, giảm chi phí bơm tưới, áp dụng kỹ thuật sạ hàng, quy trình “3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm” giúp giảm chi phí sản xuất cho nông dân rất nhiều, tăng lợi nhuận cho xã viên từ 2 đến 4 triệu đồng/ha/vụ nhờ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng lò sấy, kho chứa lúa hiện đại, máy móc phục vụ làm đất, máy gặt đập liên hợp… phục vụ cho các xã viên và nông dân trong vùng để giảm tổn thất sau thu hoạch”. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi quy trình canh tác bền vững gặp một số khó khăn do các hộ chưa tích cực tham gia, hoặc tham gia tập huấn nhưng vẫn không áp dụng còn trông chờ vào sự hỗ trợ của ngành chuyên môn. Trong bốn tiêu chí sản xuất lúa bền vững, chỉ đạt hai tiêu chí giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, còn việc giảm lượng giống gieo sạ và ghi chép sổ tay quá trình canh tác lúa chưa đạt yêu cầu. Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Thực tế việc giảm lượng giống gieo sạ khó khăn do địa hình mỗi mảnh ruộng rất khác nhau, không bằng phẳng, lượng giống gieo sạ hao hụt nhiều. Vì thế, để giảm lượng giống, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cần hỗ trợ nông dân kỹ thuật san mặt ruộng bằng công nghệ tiên tiến (công nghệ laser) đồng thời sử dụng máy cấy lúa hiệu quả sẽ cao hơn. Còn việc ghi chép nhật ký canh tác, cán bộ khuyến nông cần thường xuyên nhắc nhở với HTX, xã viên sẽ dần hình thành thói quen này”. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với gần 30 nghìn ha lúa tham gia chuyển đổi nông nghiệp bền vững, tính trung bình, mỗi ha tiết kiệm cho nông dân khoảng 3 triệu đồng/vụ, tổng số tiền nông dân tiết kiệm được gần 1.000 tỷ/đồng/vụ. Hơn nữa, việc giảm phân bón, thuốc trừ sâu có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giảm tác động tiêu cực với môi trường, lúa gạo sản xuất an toàn, bán giá cao, tiến tới sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn cao hơn. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tự tin: Việc chuyển đổi phương thức canh tác lúa truyền thống sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật có ý nghĩa lớn đối với nông dân và nông nghiệp TP Cần Thơ. Ngoài tiết giảm chi phí, việc chuyển đổi này hướng nông sản đến sản xuất nông sản an toàn, nâng cao chất lượng giá trị nông sản, khuyến khích nông dân tham gia vào các HTX, đồng thời liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hạn chế việc mất mùa được giá. Đây là bước khởi đầu quan trọng để TP Cần Thơ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các tiêu chí cao hơn như VietGap, GlobalGap, nông nghiệp hữu cơ…, hướng đến nền nông nghiệp bền vững. |
Bài và ảnh: THANH TÂM/ Nhân dân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn