Đã nặng càng nặng hơn
Theo Quyết định số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng, năm 2018 sẽ có 64 doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH). Trong đó có một số doanh nghiệp giá trị vốn rất lớn như: Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tổng Công ty Phát điện 1, 2; Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội...
Bên cạnh đó, lượng “hàng tồn kho” từ kế hoạch được phê duyệt trong giai đoạn 2011 - 2016 và năm 2017 chuyển sang còn nhiều. Chẳng hạn, hết tháng 10.2017 mới chỉ CPH được 11/44 doanh nghiệp theo kế hoạch năm. Ước tính có 25 doanh nghiệp phải chuyển sang CPH vào năm tới. Điều này khiến nhiệm vụ CPH năm 2018 vốn đã nặng lại càng nặng hơn.
Tương tự, với thoái vốn, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng, năm tới sẽ thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Tính ra mỗi tháng phải thoái vốn tại 15 - 16 doanh nghiệp. Đó là chưa kể số lượng doanh nghiệp thoái vốn tại Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện theo kế hoạch riêng. Như vậy, lượng vốn nhà nước được bán ra thị trường rất lớn. Trong khi đó số doanh nghiệp thoái vốn theo kế hoạch năm 2017 chỉ đạt 5/135. Do vậy, lượng doanh nghiệp buộc phải chuyển sang năm 2018 còn rất nhiều. Thêm vào đó, doanh nghiệp bán vốn đợt này có số vốn nhà nước lớn, tỷ lệ bán khá cao như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 24,86%; Tổng Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam 46,75%; Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp - Công ty cổ phần 63,54%; Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 49,65%; Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng - Công ty cổ phần 51%; Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - Công ty cổ phần 46,88%...
Với tình trạng kế hoạch chồng kế hoạch này, nhiều chuyên gia lo ngại tiến độ tái cơ cấu DNNN năm 2018 sẽ lại một lần nữa thất hẹn.
Hai lý do để hy vọng
Dù còn nhiều khó khăn để đạt được kế hoạch đề ra nhưng có một số cơ sở để hy vọng tình trạng chậm tái cơ cấu DNNN được cải thiện.
Thứ nhất, việc xác lập danh mục từng doanh nghiệp thực hiện CPH, thoái vốn kèm theo mốc thời gian cụ thể sẽ hạn chế được tình trạng khất lần của các chủ sở hữu, doanh nghiệp. Mặt khác, Chính phủ có cơ sở để xác định trách nhiệm đối với những đơn vị cố tình trì hoãn. Điều đáng nói hiện nay là chưa có quy định cụ thể và chưa có tiền lệ xử lý đối với đơn vị chậm thực hiện.
Thứ hai, các khó khăn về pháp lý cơ bản được gỡ bỏ khi Nghị định về CPH, thoái vốn mới nhiều khả năng sẽ được Chính phủ ban hành trong năm nay. Theo đó, những quy định gây khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp; xử lý tài chính trước lúc CPH; xử lý nợ… đã được sửa đổi phù hợp với thực tế. Mặt khác, một số quy định được điều chỉnh theo hướng đơn giản để doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện.
Chẳng hạn, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, DNNN có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên khi CPH phải được kiểm toán về xác định giá trị doanh nghiệp. Điều này khiến việc CPH bị chậm do Kiểm toán Nhà nước rơi vào tình trạng quá tải và thời gian kiểm toán cũng khá dài. Để giải quyết tình trạng “chờ kiểm toán”, dự thảo sửa đổi Nghị định 59 quy định chỉ doanh nghiệp có vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp từ 1.800 tỷ đồng trở lên mới thuộc diện kiểm toán. Ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung phương pháp dựng sổ (book building) vốn phổ biến trên thế giới. Có thêm phương pháp để thực hiện, do vậy, kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian thực hiện CPH.
Đối với thoái vốn, Bộ Tài chính đã “gom” các quy định còn tản mát ở nhiều nơi vào dự thảo Nghị định 91/2015/NĐ-CP sửa đổi để có sự thống nhất. Đồng thời, việc xác định giá khởi điểm và quy trình thoái vốn được quy định cụ thể hơn. Từ đó, các chủ sở hữu, doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện, tránh tình trạng chờ xin ý kiến như lâu nay.
Rà soát quỹ đất của doanh nghiệp nhà nước Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó sẽ bổ sung quy định: Giá trị tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê sẽ được tính vào giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cũng cho biết đã báo cáo Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát đất đai ở khu vực DNNN. Cụ thể hơn, đối với các doanh nghiệp CPH năm 2018 và những năm tiếp theo, cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp CPH. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn