Hiện nay, giá thịt lợn hơi không còn hiện tượng tăng nhanh như cách đây hơn một tuần, tuy nhiên vẫn bảo đảm người chăn nuôi có lãi. Việc nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có nên mở rộng tái đàn lúc này hay không vẫn là bài toán khó, đòi hỏi tính toán kỹ để tránh rủi ro.
|
Một trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Ba Vì (Hà Nội). |
Giá thịt lợn hơi "hạ nhiệt"
Ông Lê Văn Tương, ở thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), chia sẻ: Từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 8, giá thịt lợn hơi tại địa phương liên tục tăng cao, có thời điểm bán được 58.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng chục ngày nay, giá chững lại và có xu hướng giảm dần. Cụ thể, giá bán thịt lợn hơi (tại thị trấn Đại Nghĩa) từ 48.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, kéo theo giá lợn giống cũng "hạ nhiệt", chỉ còn từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/con. "Mặc dù giá con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đồng loạt giảm theo, nhưng người chăn nuôi lại không mặn mà tái đàn ồ ạt để tránh rủi ro" - ông Tương cho biết.
Không riêng người dân thị trấn Đại Nghĩa, ở nhiều nơi, người chăn nuôi lợn rất băn khoăn về việc có nên tái đàn hay tăng đàn lợn. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) cho hay: "Tôi nghĩ giá thịt lợn hơi chững lại gần đây là tín hiệu để người chăn nuôi cân nhắc, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không nên vào đàn ồ ạt, nuôi theo phong trào. Nếu chăn nuôi theo chuỗi khép kín, trong đó có chủ động được con giống thì việc giá thịt lợn hơi duy trì ở mức 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg vẫn có lợi cho người nông dân”.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, hiện đàn lợn trên địa bàn thành phố có khoảng 2,04 triệu con. Tuy nhiên, 60% tổng đàn thuộc hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu dân cư, nên đánh giá việc tái đàn tại các huyện, thị xã gặp nhiều khó khăn, cũng như khó dự đoán chính xác quy mô đàn lợn trong 1-2 tháng tới.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai, do giá thịt lợn hơi liên tục tăng cao từ tháng 4 đến nay, người chăn nuôi đã phát triển đàn vật nuôi, nhất là ở hình thức chăn nuôi nông hộ. Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn là khoảng 2,5 triệu con, tăng hơn 400.000 con so với cùng kỳ năm 2017.
Chăn nuôi tự phát dẫn tới khó có thể dự báo, kiểm soát được đầu ra thị trường so với cách làm của các doanh nghiệp lớn. Việc nên tăng đàn hay không là bài toán không hề đơn giản, dù giá lợn đang ở mức cao và ổn định. Bởi khi tăng đàn lợn nuôi trong lúc này, phải 4 đến 6 tháng sau mới có thể xuất bán...
Tránh tạo nguồn cung quá lớn
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, vấn đề đặt ra hiện nay là nên tái đàn theo hướng đưa chăn nuôi lợn về ngưỡng ổn định, cung - cầu gặp nhau, trong đó việc đánh giá, thống kê chính xác của mỗi địa phương là rất quan trọng. Tỉnh Đồng Nai vẫn giữ quan điểm khuyến cáo nông dân không ồ ạt tái đàn, tránh tình trạng tạo nguồn cung quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ trong chu kỳ xuất bán sắp tới.
Cùng quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt, cần thống kê để có số liệu chính xác, từ đó đưa ra chỉ đạo sát thực hơn trong việc tái đàn chăn nuôi lợn. Còn về lâu dài, phải đổi mới cách thức chăn nuôi theo hướng tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm nhằm đủ sức cạnh tranh. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, các địa phương cần khuyến khích nông dân tham gia quy trình chăn nuôi VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, tạo môi trường chăn nuôi tốt, an toàn dịch bệnh, tạo thương hiệu về chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. TP Hà Nội không khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ mà lâu dài là dần hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện dự án "Chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020" và phối hợp triển khai dự án "Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế" trên địa bàn thành phố. Với định hướng này, thành phố tiếp tục củng cố 11 chuỗi liên kết chăn nuôi lợn từ sản xuất đến tiêu thụ, cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, ngành cũng chú trọng khâu sản xuất giống chất lượng, tuyển và lựa chọn công nghệ để đưa vào chăn nuôi lợn.
Nhìn nhận bối cảnh chăn nuôi hiện nay, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Hiện tượng giá lợn tăng là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung và tăng cầu trong suốt 1 năm qua. Để tránh tình trạng “đua nhau” tái đàn dẫn đến mất cân đối cung - cầu, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục thận trọng, nhất là ở khu vực chăn nuôi nông hộ (vốn không chủ động được giống và thức ăn), tránh tình trạng tái đàn ồ ạt, cung vượt cầu như những năm trước. Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi giá cả, nắm bắt nhu cầu của thị trường và định hướng của cơ quan chức năng để quyết định sản xuất.