Mà chuyện chẳng có gì. Khách nhà anh bên này đến chơi dựng xe kín lối ra vào chung của hai nhà. Lẽ ra chỉ cần một nụ cười thân thiện để “giải tỏa” lối ra vào thì anh nhà kia khó chịu, anh bên này lớn tiếng. Đàn ông không nói nhiều, chưa qua lời thứ ba, anh kia đưa chân đạp đổ mấy chiếc xe, anh bên này cũng từ sân phi ra.
Bất chấp ngày đầu năm, bất chấp khách khứa… hai anh lao vào nhau như những “võ sĩ” đấm bốc. Người chạy đi lấy dao, kẻ tìm gậy rượt nhau khắp ngõ cho đến khi cả chục người vào lôi ra thì một anh đã u đầu, một anh trào máu miệng.
Bạo lực chưa dừng ở đó. Hai bà vợ cũng hằm hè lời qua tiếng lại, mấy đứa con cũng chìa nắm đấm về nhau.
Một nhóm thanh niên là bạn cũ hồi cấp 3 họp lớp ngày Tết. Lâu ngày gặp nhau, ôm hôn thắm thiết, cụng ly tưng bừng chúc mừng. Tám chuyện trời, chuyện đất, chuyện mây rồi vòng về chuyện cũ. Có chút men nâng tầm sĩ diện anh này khoe ngày trước vợ mày… có tình cảm với tao đấy. Thế là lao vào nhau như hai “hiệp sĩ”.
Mặt mũi máu me không bằng máu trong người, anh kia về lại lôi vợ ra “xử lý” bất chấp tết nhất.
Hai vụ ẩu đả này và còn rất rất nhiều vụ đánh nhau, ẩu đả khác diễn ra trong ngày Tết chắc chắn sẽ nằm ngoài thống kê của Bộ Y tế.
Có đến gần 2.000 trường hợp phải cấp cứu vì đánh nhau trong 3 ngày Tết. Con số làm nhiều người quan tâm nhưng có lẽ chẳng còn ai phải giật mình bởi một vài năm gần đây, những con số về tai nạn giao thông, về đánh nhau trở thành thông tin được cập nhật thường xuyên trong dịp Tết.
Có người cực đoan còn gọi Tết bây giờ là “Tết của những cái chết” mà số người tử vong vì tai nạn, vì đánh nhau có tăng lên cũng chẳng có gì lạ.
Chẳng giật mình chẳng hoảng hốt bởi chúng ta cũng đã quá quen với bạo lực! Bạo lực không chỉ diễn ra trong dịp Tết. Chẳng qua Tết là môi trường gặp gỡ, thân thiết nhiều hơn nên va chạm cũng nhiều hơn. Hơn nữa Tết thì có thống kê… nhập viện vì đánh nhau. Còn va chạm, bạo lực trong ngày thường thống kê nào làm nổi?
Chúng ta có bạo lực từ trong gia đình, chồng đánh vợ, cha đánh con, con đánh cha. Trong trường học bạn bè đánh nhau, có thầy đánh trò và có trò đánh thầy. Bạo lực ngoài đường phố, quán xá, nơi công sở…
Dân thường đánh nhau, quan cũng đánh nhau. Đầu năm 2015, dư luận được phen xôn xao với thông tin hai giám đốc Sở ở Bình Phước ẩu đả phải lần lượt kéo nhau nhập viện.
Bạo lực sinh ra bạo lực. Một ông chồng bất mãn bên ngoài về trút lên đầu vợ. Bà vợ bất mãn với chồng đổ lên đầu đứa con. Đứa con đi trút ấm ức lên đầu bạn bè… như một cỗ máy hoạt động rất "nhịp nhàng".
Một bộ phận người Việt đã xem việc đánh người khác như một cách để khẳng định sức mạnh bản thân!
Một nhà xã hội học tâm sự, rất nhiều nhà nghiên cứu thật sự lo sợ trước cách hành xử của người Việt với nhau hiện nay. Chính bản thân họ cũng không thể lý giải một cách thấu đáo tại sao người Việt vốn chân chất, hiền lành, thân thiện lại hành xử với chính những người yêu thương như vợ chồng, con cái cho đến người lạ một cách khủng khiếp như vậy.
Bà chỉ có thể nói rằng, cuộc sống hiện nay rất căng thẳng, ai cũng gánh trên mình quá nhiều nỗi lo, con người thiếu sự thanh thản, an nhàn mà sống. Sự căng thẳng, bất mãn làm người ta ức chế, chỉ cần một cái cớ rất nhỏ, nhiều người vẫn có thể xông vào đánh người khác để “xả” sự bế tắc hay bị chèn ép của mình. Việc có thể xảy ra ngay với cả với những người được coi là tỉnh táo chứ chưa nói đến tác động của rượu bia.
Nhiều người “say” mà chẳng cần đến mùi cồn. Ai cũng có thể biến thành những “dũng sĩ” sẵn sàng tấn công người khác vì bất kỳ lý do gì, thậm chí không cần lý do. Có lẽ cũng chưa thời nào, ngay cả lúc đói khổ nhất, con người lại dễ đột ngột… mất mạng như lúc này.
Chúng ta có tất cả, có những công trình xếp hạng nhất thế giới, có dư ngàn tỷ đổ vào rượu bia, có "khí phách" của sự bất cần, bất mãn... Chỉ còn thiếu thốn đạo đức và lòng nhân.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn