Vườn quýt đường của một hộ dân tham gia dự án sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Với tiềm năng về đất đai và khí hậu, chính quyền nơi đây đang hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái có múi theo hướng hàng hóa bền vững.
Theo ông Phan Ngọc Thành - GĐ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX An Khê, hiện nay, diện tích cây ăn trái có múi của TX khoảng 30ha với các chủng loại quýt, cam, bưởi, chanh, tập trung chủ yếu ở xã Cửu An, với trên 13ha.
Tuy nhiên, việc SX của bà con còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, thiếu những mô hình SX lớn, khả năng đầu tư thâm canh chưa cao, việc ứng dụng KHKT hạn chế. Bên cạnh đó, sản phẩm chưa được chứng nhận về chất lượng, truy xuất nguồn gốc nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Chính vì vậy, UBND TX đã chọn xã Cửu An để triển khai dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP”, có 17 hộ dân tham gia trồng cam, quýt và bưởi từ năm 2018 trở về trước.
Cụ thể, diện tích cây quýt là 11,2ha, cam 1,5ha, bưởi 0,3ha. Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 815 triệu đồng. Các hộ sẽ được tập huấn về kỹ thuật mới SX cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, chính quyền sẽ có trách nhiệm kết nối với DN, siêu thị để bà con có đầu ra.
Một trong những hộ tham gia dự án, ông Nguyễn Trung Thành (thôn An Điền Nam) cho hay, cách đây 9 năm, gia đình trồng được 1ha quýt đường, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng. Năm 2018, ông trồng thêm 1,5ha quýt đường và 1ha cam sành, 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Nay được tham gia dự án, ông Thành có cơ hội tiếp cận và áp dụng tiến bộ KHKT canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. "Trước đây, sản phẩm làm ra thường bị tư thương ép giá. Nay sản phẩm làm ra có mã truy xuất nguồn gốc, sẽ được kết nối với các DN, siêu thị nên việc tiêu thụ ổn định hơn và giá cả cũng tốt hơn", ông Thành nói.
Theo ông Lưu Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Cửu An, thời gian qua, trên địa bàn xã dù đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả nhưng chưa có sự liên kết giữa DN và nông dân dẫn đến thị trường không bền vững. Cùng với đó, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn còn manh mún, người dân canh tác tự phát, chưa chú ý áp dụng KH-CN dẫn đến năng suất, chất lượng thấp và tình trạng “được mùa mất giá” vẫn hay xảy ra.
Chưa kể việc nhiều hộ vì bị tư thương ép giá nên đành phải chấp nhận bán với giá rẻ, dẫn đến không có lãi. “Việc xây dựng vùng sản xuất trái cây an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho việc sản xuất cây ăn quả phát triển, thực hiện tốt kế hoạch phát triển cây ăn quả theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của TX", ông Dũng cho hay.
Còn theo ông Huỳnh Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Kinh tế TX An Khê, dự án sẽ giúp người dân sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, giúp địa phương xây dựng mới và duy trì mô hình sản suất cây ăn quả an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện môi trường. Đây là mô hình để các hộ dân trên địa bàn TX tham quan học hỏi và chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún truyền thống sang hướng sản xuất tập trung, an toàn, chất lượng cao.
Khi mọi thứ đã đi vào hoạt động, dự kiến đến năm 2020, dự án sẽ sản xuất ra khoảng 54,6 tấn trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP mang về lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Đến năm 2021, dự án sẽ sản xuất ra hơn 193 tấn trái cây với tổng lợi nhuận thu được hơn 2,7 tỷ đồng.
“Sắp tới đây, TX sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi về sử dụng đất trồng cây ăn quả, xây dựng các công trình dịch vụ kỹ thuật và thương mại, kết cấu hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả; xây dựng cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây cây ăn quả nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, TX sẽ đẩy mạnh khuyến công, khuyến nông, cung cấp thông tin, nâng cao năng lực thị trường cho nông dân; tăng cường quảng bá sản phẩm, liên kết với DN nhằm tìm thị trường bền vững cho sản phẩm cây ăn quả của TX An Khê”, ông Mỹ cho biết thêm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn