Hành trình dài hơn 300 cây số, bị nhồi nhét trên chiếc xe khách nồng nặc mùi người, mùi xăng dầu không làm giảm sự háo hức được trở về bên những người thân yêu.
Tết là để con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ. Ảnh: Anh Hoài |
Bây giờ, khi đã có gia đình nhỏ của mình, dù bận rộn với công việc và cuộc sống nhưng cái cảm giác ấy vẫn thôi thúc, giục giã. Tất cả đủ để vui, đủ để gợi lại những ký ức, đủ để ngẫm ngợi, đủ để thôi thúc ta phấn đấu.
Về quê ăn tết, việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất mà mỗi người con đất Việt đều làm đó là thắp nén nhang lên nấm mộ của ông bà tổ tiên, không chỉ để tưởng nhớ mà còn để cảm tạ ông bà tổ tiên đã phù hộ, che chở cho mình.
Giao thừa là khoảnh khắc đáng mong chờ nhất. Khi kim đồng hồ chỉ đến con số 12h, đó là lúc mâm cúng được đặt ngay ngắn trên khoảng sân nhỏ, cả gia đình cầu mong những điều bình an, hạnh phúc. Lúc này, trên những nẻo đường làng, mọi người ùa ra đường đón năm mới. Tiếng cười đùa nghịch ngợm của nhóm bạn cũ, những đôi uyên ương tay trong tay, ấm áp và bình yên.
Mùng 1 tết là ngày đặc biệt trong năm, vừa thiêng liêng, vừa đầm ấm, vui vẻ. Sau thủ tục hái lộc, gia đình nhỏ kéo nhau về gia đình lớn, con cháu tề tựu bên ông bà, cha mẹ, mừng tuổi nhau. Người lớn dặn dò, đặt niềm tin mai sau vào con cháu. Con cháu thông báo kết quả học hành, làm ăn và những dự định cho năm mới. Cả gia đình ba, bốn thế hệ quây quần bên nhau trong bữa cơm đầu năm, sau đó mới đến nhà bà con hàng xóm chơi.
Nhắc đến tết, trong lòng mỗi người Việt lại nôn nao hai tiếng sum vầy, yêu thương, nôn nao nhịp đập của trái tim trên những chuyến tàu, chuyến máy bay, những chuyến ô tô cho kịp giờ đón tết.
Tết là sum vầy, sum vầy là tết!
Theo Phan Trâm/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn