Thời gian khóa tập huấn bao gồm 7 ngày/lớp, trải dài suốt cả vụ sản xuất với nội dung đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại đồng ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng.
Lớp tập huấn kết hợp thông tin hai chiều, lấy người học làm trung tâm, kiến thức của người dân dựa trên kinh nghiệm có sẵn kết hợp những kiến thức mới như: Điều tra phân tích hệ sinh thái đồng ruộng; Sinh lý cây trồng qua các giai đoạn và các biện pháp tác động cần thiết trong mỗi giai đoạn; Tưới nước tiết kiệm cho cây trồng; Quản lý cây trồng tổng hợp ICM; Quản lý dịch hại tổng hợp IPM; Thu hoạch, bảo quản; Hạch toán hiệu quả kinh tế...
Trước mỗi buổi học, giáo viên và học viên cùng nhau thăm đồng, quan sát, điều tra, thu thập mẫu sâu bệnh hại, rồi chia nhóm nhỏ tập trung thảo luận, vẽ bức tranh sinh thái theo từng tổ, nhóm về sinh trưởng phát triển của cây trồng, những biện pháp tác động, đồng thời đưa ra các ý kiến để xử lý vấn đề liên quan. Sau đó, đại diện từng nhóm lên trình bày kết quả thảo luận và đưa ra các biện pháp tác động hiệu quả. Chính vì vậy, thông qua các lớp học, học viên không những tiếp thu được các TBKT mới và áp dụng vào sản xuất của gia đình mình mà còn có thể chia sẻ rộng rãi các kiến thức, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân sản xuất nông nghiệp khác trong thôn, trong xã ngày càng tốt hơn.
Chị Lê Thị Luật – một trong những học viên lớp tập huấn ICM trên cây ngô tại xã Định Hải, huyện Yên Định cho biết: “Khi tham gia lớp tập huấn, với phương pháp thảo luận nhóm, thực hành tại đồng ruộng nên chúng tôi nắm được những kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đồng thời biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả không ảnh hưởng đến môi trường”.
Chị Nguyễn Thị Tâm - học viên lớp ICM trên cây đậu tương tại xã Định Công, huyện Yên Định tâm sự: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia lớp học như thế này, vừa học lý thuyết vừa thực hành, nhận biết sâu bệnh ở từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng; cùng nhau thảo luận, chia sẻ với nhau trong quá trình học... Đặc biệt biết bón phân đúng thời điểm cây cần, sử dụng thuốc BVTV khi thật sự cần thiết nên tôi thấy lớp học rất có ý nghĩa và hiệu quả vô cùng. Mong bà con trong xã, trong huyện sẽ có nhiều lớp tập huấn như thế này để mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp”.
Sau khóa tập huấn, học viên tham gia lớp học đều cho rằng: vừa học lý thuyết kết hợp thực hành ở từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng nên học viên dễ tiếp thu, dễ áp dụng, nhớ lâu... vì vậy kiến thức ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy, bà con các xã tham gia lớp tập huấn nói riêng và bà con các địa phương khác trong huyện rất mong có thêm nhiều lớp tập huấn, nhiều mô hình để bà con được học tập, nâng cao kiến thức thực hành, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế, giảm chi phí đầu vào (giảm lượng nước tưới, giống, phân bón hóa học, thuốc BVTV) và hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay./.
Thu Hiền
Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn