Ông chọn lối đi ít ai ngờ tới và thành công theo cách của riêng mình.
Ông Hùng thành công với mô hình nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông sinh sản. |
Người dân thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) coi ông Nguyễn Mạnh Hùng là biểu tượng về tinh thần vượt khó, vượt lên số phận. Ông gắn liền với những biệt danh người dân ở đây đặt cho như Hùng ảnh, Hùng cá lóc, Hùng cá rô… cũng bởi vì ông đã rất thành công với những gì mình lựa chọn.
Một chị bán xôi ở ngay cầu Còng, khi tôi hỏi về ông Hùng đã nói ngay: “Chú vào để học chụp ảnh, nuôi ruồi lính đen hay nuôi cá rô đầu vuông? Ông Hùng cho cá rô đầu vuông, cá lóc sinh sản được và đã chỉ dạy cho nhiều người rồi. Nay lại nuôi ruồi lính đen, quả là với ông Hùng thì không có gì là không thể”.
Mấy câu nói ngắn gọn như tóm tắt gần hết hành trình, niềm say mê, cái duyên của ông đối với nông nghiệp càng khiến chúng tôi tò mò.
Vốn là thương binh nặng, nhưng với bản chất người lính cụ Hồ, ông quyết không đầu hàng số phận. Với nghề chụp ảnh học được khi còn ở trong quân ngũ, từ năm 1987, mỗi năm ông Hùng mở 2 - 3 khóa dạy ảnh ngắn ngày, số học viên theo học ngày càng đông.
Những tưởng, khi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời ông Hùng sẽ hưởng cuộc sống an nhàn. Thế nhưng, ông lại khiến mọi người bất ngờ khi ông thành lập HTX Thương binh và người tàn tật Nguyễn Hùng.
Không chỉ lo cho cuộc sống của mình, thông qua HTX ông tạo điều kiện cho con em đồng đội và các gia đình chính sách có công ăn việc làm ổn định.
Nuôi ruồi lính đen là một đam mê mới của ông Hùng. |
Trên diện tích đất chuyển nhượng của 18 hộ dân sống quanh kênh mương tiêu nước và bãi rác của huyện, ông Hùng đã cải tạo và xây dựng thành khu trang trại sinh thái tổng hợp vừa làm nghề ảnh vừa kinh doanh dịch vụ ăn uống và nuôi thả cá giống.
Năm 2007, HTX Nguyễn Hùng đã đưa giống cá lóc từ miền Tây về nuôi thử nghiệm trên diện tích 600m2 ao nuôi. Chỉ trong vòng 5 tháng, HTX thu được 1,5 tấn cá thương phẩm, trị giá gần 100 triệu đồng.
Thời điểm năm 2007, ông Hùng đưa cá lóc thương phẩm về nuôi thành công đã là một bất ngờ lớn. Bởi theo nhiều người nuôi trồng thủy sản xứ Thanh, thời điểm đó, việc di chuyển bằng đường hàng không từ miền Tây về đến đây cũng mất 10 - 12 giờ nên khi về đến ao nuôi thì tỷ cá giống hao hụt rất cao.
Sau bao đêm trăn trở, một ý tưởng táo bạo xuất hiện trong đầu ông Hùng: “Người ta có thể cho cá lóc sinh sản được, tại sao mình lại không? Thế là tôi quyết định mua cá bố mẹ về để tự sản xuất cá giống. Những ngày đầu tôi gặp muôn vàn khó khăn vì nuôi dưỡng, kích thích cho cá đẻ đã khó, việc giữ được tỷ lệ sống sót sau khi trứng cá nở càng khó hơn.
Tôi đọc rất nhiều tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho cá lóc sinh sản, kỹ thuật xử lý ao nuôi bằng men vi sinh, cách cho trứng cá nở và đưa cá bột từ trong môi trường bể ra ao nuôi ương. Đến nay, các công đoạn cho cá lóc sinh sản đã thành thục, hiện tôi đang cung cấp cá giống cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh và một số tỉnh bạn”, ông Hùng chia sẻ.
Đến năm 2015, khi phát hiện con cá rô đầu vuông cho hiệu quả kinh tế cao, ông lại tiếp tục cho loài cá này sinh sản thành công ngay tại trang trại của mình. Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, thông qua các cuộc hội thảo, ông Hùng sẵn sàng chia sẻ về kỹ thuật cho cá lóc, cá rô đầu vuông sinh sản, kỹ thuật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hùng là một thương binh - nông dân không ngừng đổi mới. |
Từ một thương binh, chủ một hiệu ảnh, ông Hùng trở thành một ông chủ trang trại, giám đốc một HTX, Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại huyện Tĩnh Gia. Riêng HTX tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 lao động, chủ yếu là người tàn tật, trẻ mồ côi và con em các gia đình thương binh liệt sỹ. |
Cùng thời gian cho cá rô đầu vuông sinh sản thành công, ông Hùng còn cùng với nhóm nghiên cứu Khoa cơ khí, Học viện Nông nghiệp sản xuất thành công máy cấy cầm tay. Sau đó, ông tiếp tục mày mò, nghiên cứu và đã cho ra đời máy cấy không động cơ thế hệ thứ 4, mỗi chiếc máy có thể cấy được 1 sào lúa trong vòng 1 giờ đồng hồ, tương đương với 7 - 8 người cấy.
Dự kiến tới đây, ông Hùng sẽ cho ra đời máy cấy thế hệ thứ 5 là loại có động cơ chạy bằng ắc quy. Máy cấy cầm tay của ông được nông dân nhiều tỉnh thành trong cả nước đón nhận. Ngoài ra, có 6 nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Nigieria đặt hàng và đã mua sản phẩm máy cấy cầm tay về sử dụng.
Mới đây, sau khi đi tham quan một số trang trại, ông Hùng đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi ruồi lính đen. Tuy nhiên, lần đầu khi nhập giống ruồi lính đen từ Indonesia về, do chưa nắm được quy trình nuôi ông đã thất bại. Ông lại lặn lội vào tỉnh An Giang để tìm mua con giống. Đến đầu năm 2019, ông chính thức cho ra mẻ trứng ruồi đầu tiên và đang ngày càng thành công với loài vật nuôi mới này.
Dùng tay bốc ấu trùng ruồi lính đen lúc nhúc bằng đầu chiếc đũa, ông Hùng giải thích: “Lúc đầu nghe về nuôi ruồi thì có vẻ ngạc nhiên, nhưng khi bắt tay vào tìm hiểu thì mới thấy thú vị.
Nuôi ruồi lính đen chủ yếu ăn các loại rau củ quả hư, thức ăn thừa, rác thải sinh hoạt nên sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường… Trứng ruồi hiện được bán trên thị trường với giá trên dưới 20 triệu đồng/kg. Ấu trùng từ ruồi lính đen được sử dụng khá hữu ích khi làm thức ăn trong chăn nuôi, vừa giảm chi phí đầu vào vừa giúp vật nuôi chống chọi tốt với dịch bệnh...”.
Gia đình ông tạo ra không gian sinh thái trong trang trại. |
Bà Lan, vợ ông Hùng cho biết, hiếm có một người nào có nghị lực phi thường như ông. Sau hơn 40 năm chung sống, bà chưa bao giờ thấy ông bỏ cuộc giữa chừng dù những cơn đau hành hạ lúc trái nắng trở trời. Chính sự nhiệt huyết, say mê nông nghiệp đã giúp ông trở thành một biểu tượng sống của nhiều người dân ở thị trấn đầy nắng gió này.
"Chúng ta có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú nhưng tại sao ở các vùng nông thôn, nông dân vẫn nghèo? Nghèo vì nông dân đói về kiến thức, đói về công ăn việc làm. Vì thế, tôi định hướng bà con tận dụng đất hoang, tận dụng đất đầm lầy, ao tù để nuôi thủy sản rất hiệu quả. Mọi người gọi tôi là giám đốc HTX nhưng tôi thích được gọi là chủ nhiệm HTX hơn. Cách gọi này nghe gần gũi, thân thương, mang đậm chất nông dân”, ông Hùng chia sẻ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn