Người thì cho rằng đây là xu thế tất yếu, như các nước phát triển, hộ nông dân của họ có tới hàng trăm hàng nghìn hécta, trong khi ở nước ta, quỹ đất nông nghiệp ít lại còn bị chia năm xẻ bảy thì nông dân nghèo mà nền kinh tế cũng nghèo. Nhiều người cho rằng mở rộng hạn điền có thể là tiền đề tiến tới tư hữu hóa đất đai, như vậy nông nghiệp mới đi vào sản xuất lớn, mới có điều kiện cơ giới hóa, nâng cao năng suất và chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Nhưng cũng lại có ý kiến ngược chiều lo ngại việc mở rộng hạn điền, tích tụ đất nông nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng thu gom đất đai, hình thành lớp địa chủ mới, dẫn đến việc người nông dân bị đẩy ra ngoài cuộc. Lo ngại này cũng có cơ sở khi mà mấy chục năm qua, nông nghiệp chúng ta ghi được nhiều thành quả đáng kể trong khi nông dân vẫn nghèo và đất đai nông nghiệp cũng đang dịch chuyển vào các nhóm lợi ích do người nông dân chuyển nhượng quyền sử dụng.
Trong khi những tranh luận vẫn chưa ngã ngũ thì vấn đề đã dần sáng tỏ. Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ông yêu cầu các bộ Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp phải nghiên cứu chính sách hoàn thành ngay trong quý III năm nay.
Mới đây tại Hội nghị về lúa gạo được tổ chức ở An Giang, thông điệp này lại được người đứng đầu Chính phủ đưa ra minh họa cho một giải pháp đột phá về thể chế để tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang bị nhiều rào cản trong đó có chính sách hạn điền.
Theo điều 129 Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 hécta. Luật này cũng cho phép các hộ gia đình được tích tụ đất đai không quá 10 lần hạn mức, tức không quá 30 hécta.
Chính sách hạn điền trước hết là quản lý đất đai vì mục đích công bằng giữa tất cả nông dân, thứ hai là để ngăn chặn việc hình thành “địa chủ mới” không trực tiếp lao động mà chỉ dùng đất để thu lợi.
Quy định như vậy nhưng trong thực tế, hạn điền đã bị vượt qua mấy năm nay, có trường hợp người làm nông nghiệp ở Long An đã sử dụng cả ngàn hécta mà chẳng ai bị mang tiếng là địa chủ mới. Người tích tụ ruộng đất ngày hôm nay không như thời xa xưa là để thu tô, bóc lột.
Thời thế đã khác nhiều rồi. Có những nơi người ta tích tụ vài ba trăm hécta nhưng không công khai. Họ không phải là địa chủ. Họ nắm sổ đỏ tức quyền sử dụng đất trong hạn điền của người nông dân, vừa trả tiền thuê đất vừa thuê người nông dân làm việc trên chính mảnh đất của mình. Đó là những người đầu tư có trình độ quản lý tốt, có vốn, có đầu ra, cuối niên vụ họ chia lời, tức là mang lại lợi ích cho nhiều phía: chủ đầu tư, nông dân và nền kinh tế. Đây chính là tiền đề cho một sự cải cách thể chế đất đai cũng như sản xuất nông nghiệp mà các cơ quan làm chính sách cần nghiên cứu thấu đáo để đưa vào luật pháp sau này.
Tích tụ ruộng đất hoàn toàn khác với chiếm hữu hay chiếm đoạt mà trái lại còn mang tính tích cực. Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nông học nổi tiếng phân tích một cách dễ hiểu rằng ưu điểm của tích tụ là công khai hóa và chính thức hóa vấn đề. Ở một nước mà 70% số dân sống ở nông thôn, 50% người làm nông nghiệp như Việt Nam thì đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Nếu quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chính thức, theo dự báo của các chuyên gia thì trong tương lai chỉ còn 5 – 10% lao động làm việc trong nông nghiệp thay vì 50% như hiện nay. Tất nhiên trong điều kiện nền kinh tế phát triển tốt, số lao động nông nghiệp dôi dư sẽ được thu hút vào các lĩnh vực hoạt động khác.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Đại học Cần Thơ thì cho rằng khi người nông dân biết cách tổ chức quản lý sản xuất thành công, họ sẽ có ý định mua thêm đất từ những người nông dân mà khả năng sản xuất kém hơn để mở rộng và đầu tư canh tác. Chính sách tích tụ ruộng đất được thực hiện tốt sẽ tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, hợp thành vùng chuyên canh, gắn kết với công nghệ chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ.
Thật ra, nhận thức về hiệu quả của sản xuất lớn nông nghiệp không có gì phải bàn cãi, vấn đề là trong lợi ích đó làm sao người nông dân không bị thiệt mà còn được nhiều lợi ích, trong đó có việc cấm tích tụ ruộng đất theo kiểu tước đoạt, thay vào đó là phát triển mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân như một số địa phương đang làm. Doanh nghiệp cung cấp con giống, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn quy trình sản xuất, lo hạ tầng tưới tiêu cho nông dân. Việc còn lại là đất của ai thì vẫn canh tác như vậy, không hề có chuyện chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Mô hình này đa phần thành công, người nông dân phấn khởi vì năng suất cao, thu nhập tăng hơn khi tự mình sản xuất. Như vậy mở rộng hạn điền không nhất thiết là phải điều chỉnh diện tích sản xuất dành cho người nông dân, nghĩa là vẫn giữ được tính công bằng, mà là cho phép mở rộng quy mô “tích tụ” quyền sử dụng đất của doanh nghiệp với tư cách là nhà đầu tư được sự quản lý của luật pháp.
Đây cũng chính là cách bảo vệ tài sản của người nông dân trong quá trình tích tụ ruộng đất mà chúng ta rất cần học hỏi cách làm của Đài Loan. Ở lãnh thổ này người nông dân khi tham gia đóng góp đất, họ phải được quyền đồng sở hữu tức là cổ đông của công ty, được tham gia quản lý và được chia lợi nhuận. Điều này sẽ tránh được tình trạng đất nông nghiệp biến thành đất của các đại gia hay nhóm lợi ích dẫn tới mất ổn định xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khi nhìn vấn đề này cho rằng một trong những vấn đề mấu chốt để đảm bảo công bằng trong tích tụ đất đai là nhà nước cần quan tâm đến quyền tài sản của người nông dân. Giá thị trường phải được đảm bảo, nông dân nếu muốn rút ra khỏi nông nghiệp có thể bán cho người có nhu cầu, hoặc nếu muốn giữ đất, họ có thể góp vốn bằng quyền tài sản đất nông nghiệp với giá thị trường, chứ không phải giá quá rẻ như hiện nay.
Những ý kiến như vậy rất cần được đào sâu thêm để đưa vào các quy định mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai.
Theo Trần Đại Lộc/vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn