Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, giá cả phải chăng nên bao bì mang nhãn hiệu Thêm Phát không những tiêu thụ tại địa phương mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác, kể cả nước bạn Campuchia...
Vài thập kỷ qua, nhiều nông dân đã cần cù, sáng tạo SX, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, không ít người làm nên những kỳ tích, góp phần phát huy vai trò của nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Hai Bưng rất xứng đáng là một nông dân có tư duy sáng tạo trong SX, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và là 1 trong số 63 gương mặt điển hình tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2014.
Điển hình là ông Bùi Văn Bưng (Hai Bưng), 60 tuổi ở ấp Tân Hương, xã Tân Lược, huyện Bình Tân (Vĩnh Long), người được tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2014.
Chân lấm tay bùn
Với gương mặt hiền từ, dễ gần gũi, ông Bùi Văn Bưng chậm rãi kể: “Lúc vợ chồng tôi ra riêng chỉ có 3 công đất, cuộc sống thiếu trước hụt sau, có lúc tôi phải chèo ghe mua bán trái cây, suốt ngày đầu tắt mặt tối mới nuôi nổi đàn con ăn học thành tài. Nhờ chí thú làm ăn, vợ chồng tôi vừa SX, kinh doanh vừa tích lũy vốn để mua thêm đất trồng hoa màu và cây ăn trái. Tính đến nay, gia đình tôi đã làm chủ được 33 công đất chuyên trồng khoai lang và lúa”.
Ông Bùi Văn Bưng bên cạnh các công nhân ở xưởng SX bao bì Sau 20 năm gắn bó với ruộng vườn, ông không những hăng say lao động mà còn say mê học hỏi, tham gia nhiều lớp tập huấn về nông nghiệp, vận dụng những tiến bộ KHKT mới vào SX, mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa, mua sắm các loại máy suốt, máy cày, máy xới để vừa phục vụ cho ruộng nhà, vừa làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập.
Để bảo vệ hoa màu, từ năm 2000 ông đã đầu tư xây đắp một con đê khép kín, bảo đảm công việc tưới tiêu nên khoai lang và lúa năm nào cũng trúng vụ. Có thể nói cơ nghiệp ông được như ngày hôm nay, phần lớn là bắt nguồn từ cây khoai lang. Những năm trúng mùa, được giá ông thu về vài trăm triệu/năm rất dễ dàng.
Năm 2014 ông đã thu hoạch trên 30 công khoai lang tím Nhật, năng suất bình quân 49 tạ/công, bán với giá 450.000 đ/tạ, lời mỗi công trên 10 triệu đồng. Cũng nhờ cây lúa, cây khoai mà ông đã nuôi 6 người con ăn học thành tài, hiện có đến 5 người là cán bộ, công nhân viên nhà nước.
Doanh nhân "xịn"
Tuy nhiên, trong những năm gần đây do giá cả khoai lang tím ngày càng mất ổn định, có lúc lên tới 800.000 đ/tạ, có lúc lại tuột giá còn 300.000 đ/tạ, thậm chí có khi dội hàng, đầu ra bấp bênh khiến người trồng bất an. Ông Bùi Văn Bưng tại xưởng dệt bao bì Đứng trước tình cảnh khó khăn chung của SX nông nghiệp, ông vẫn quyết định “ôm” cây khoai và bám chặt cây lúa, coi đó là 2 cây chủ lực đã từng gắn bó lâu dài với bà con. Mặt khác, ông lại tích cực suy nghĩ mình phải làm một cái gì vừa có lợi cho nhà vừa có lợi cho đất nước.
Ông nhận thấy bà con sau khi thu hoạch lúa, khoai và các loại hoa màu khác hầu như ai cũng cần đến bao bì để vận chuyển hàng hóa. Từ ý tưởng đó, ông cùng người con trai đã lặn lội lên TP.HCM để tham quan, học hỏi, nghiên cứu và tìm hiểu về kỹ thuật SX bao bì.
Sau khi nắm bắt được các quy trình vận hành của các loại máy, hai cha con ông trở về chuẩn bị cơ sở, mua sắm thiết bị và tiến hành SX, lấy tên là “Xưởng dệt bao bì Thêm Phát”. Thời gian đầu, ông cho chạy thử nghiệm 2 máy, mỗi ngày SX 2.000 chiếc. Tiếp theo, ông đầu tư thêm 8 máy nữa, công suất 10.000 bao/24 giờ. Giá bán hiện nay là 2.500 đ/cái, lời bình quân mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, giá cả phải chăng nên bao bì mang nhãn hiệu Thêm Phát của ông không những tiêu thụ tại địa phương mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác, kể cả nước bạn Campuchia.
Ngoài SX bao bì, ông Hai Bưng còn tiến thêm một bước nữa, đó là SX nước đóng bình tinh khiết để phục vụ cho bà con đang lao động ngoài đồng. Không dừng lại ở đây, hướng tới ông dự định sẽ đứng ra thu mua khoai lang của bà con và đầu tư mua máy sấy, đồng thời thiết kế máy đông lạnh để bảo quản khoai, giúp họ yên tâm SX. Hiện nay ông đã chuẩn bị các thiết bị máy móc, nguồn vốn để sẵn sàng bắt tay vào việc kể từ năm 2016.
Là một người vươn lên từ hai bàn tay trắng, nay trở thành một doanh nhân thành đạt nên ông lúc nào cũng nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, hàng năm đều tham gia đóng góp vào quỹ phúc lợi như làm đường, sửa lộ, bắt cầu tại địa phương. Hiện cơ sở SX bao bì và nước đóng bình Thêm Phát tạo cơ hội cho gần 30 lao động có công ăn việc làm ổn định, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người, trong đó có người phấn đấu đạt đến 7 - 8 triệu nhờ làm công ăn theo sản phẩm. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và ham học hỏi, đặc biệt là biết nắm bắt thơi cơ nên nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Bưng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, ngày càng SX theo quy mô lớn mang lại hiệu quả cao.
Qua chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” tại thủ đô Hà Nội, ông Bưng đã có dịp giao lưu, học hỏi, gắn kết với nhiều nông dân ở các vùng miền khác nhau, giúp ông mở rộng thêm tầm nhìn sức nghĩ để phát huy tốt hơn nữa hoạt động SX, kinh doanh của mình ngày càng hiệu quả hơn. Tính đến nay ông đã đầu tư cho xây đụng trên 3 tỷ đồng và còn đang hoàn chỉnh các thiết bị để tiếp tục tăng cao năng suất và chất lượng....
Theo nongnghiep.vn