Giống mít Thanh Sơn do ông Nguyễn Thanh Sơn lai tạo ra cho trái rất sai.
Trên chuyến phà qua sông Cổ Chiên, PV Danviet được nghe rất nhiều lời khen ngợi về một giống mít đang giúp rất nhiều nông dân cù lao Phú Bình ăn nên làm ra. Người đi đầu trong việc lai tạo , ươm giống thành công và phổ biến kinh nghiệm về giống mít ra trái "khổng lồ" này nầy ông Nguyễn Thanh Sơn, 50 tuổi.
Hành trình lai tạo ra giống mít "khổng lồ"
Hướng dẫn PV Danviet tham quan mít “nái” đang rất ra trái rất sai, ông Sơn kể : “Năm 2012, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm giống mít này với suy nghĩ, sao mình không tự lai tạo ra một giống mít đặc mang tên Thanh Sơn để thay thế cho các loại mít truyền thống vốn có như mít nghệ, mít Tố Nữ, mít dừa...kể cả mít Thái Lan. Từ đó tôi đã tự nghiên cứu nhiều biện pháp lai tạo, chủ yếu là giải pháp lai hữu tính và đã thành công”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn bên cây mít đầu dòng mà ông gọi là cây mít "nái".
Thấy PV Danviet thắc mắc về các từ “ lai hữu tính”, ông Nguyễn Thanh Sơn giải thích: "Đầu tiên tôi lấy phấn từ cây mít giống này phủ lên cây mít giống khác. Khi cây mít được phủ phấn đậu trái, tôi phải theo dõi xem trái nào đạt yêu cầu cao nhất về trọng lượng, mùi vị, màu sắc, lượng múi nhiều...rồi sẽ tiến hành lấy hạt và đem trồng tiếp tục để lấy cây con...".
Cận cảnh một miếng mít Thanh Sơn khi ông Sơn bổ ra. Ai trông thấy miếng mít này đều công nhận là "không phải hấp dẫn mà cực kỳ hấp dẫn".
Với cách làm này đến nay ông Nguyễn Thanh Sơn đã sở hữu trên 200 cây mít đặc chủng ra trái "khổng lồ" mang tên “Thanh Sơn” có chất lượng đặc biệt thơm ngon. Loại mít này đã được ông Sơn đăng ký sỡ hữu trí tuệ với các cơ quan chức năng. Ông Võ Trần Long, thương lái đến từ tỉnh Cà Mau nhận xét : “Mít Thanh Sơn có rất nhiều ưu điểm như trái to, múi dầy, vị thanh, thơm lâu, hạt lép nên dù giá có cao nhưng người tiêu dùng rất ưa chuộng...".
Mít "khổng lồ" cho thu nhập "khủng"
Ông Nguyễn Thanh Sơn còn "bật mí" cho PV Danviet biết thêm nhiều ưu thế khác đối với đứa “con cưng” của mình. Đó là giống mít "khổng lồ" Thanh Sơn từ lúc hái xuống đến khi chín khoảng 7-10 ngày nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa, kể cả xuất khẩu sang các nước khác. Mít ra trái quanh năm. Cây trồng chỉ sau 18 tháng sẽ cho lứa trái đầu tiên.
Mít Thanh Sơn nếu để số lượng trái ít thì trái mít to hết cỡ "khổng lồ", có trái đạt 43 ký.
Bình quân mỗi cây mít Thanh Sơn sẽ cho từ 8-10 trái mỗi năm, mỗi trái có trọng lượng bình quân từ 18 đến 20 ký (tùy thuộc người trồng muốn để lại trái nhiều hay ít trên cây). Nếu để số quả ít trên cây, mỗi trái mít có thể đạt đến 43 ký.
Không chỉ năng suất cao hơn các giống mít khác, giá bán trái mít "khổng lồ" cũng cao hơn nhiều, từ 80.000-100.000 đồng/ký như hiện nay (hiện mít Thái Lan được xem là có giá nhất thì thương lái cũng chỉ mua từ 55.000- 60.000 đồng/ký). Từ năm 2016 đến nay, chỉ với 200 cây mít ra trái "khổng lồ" nhưng ông Nguyễn Thanh Sơn có lời gần 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể mỗi năm ông Sơn bán trên 2.000 cây giống mang về thêm nguồn lãi trên 300 triệu đồng.
Cận cảnh bên trong 1 trái mít Thanh Sơn đã bổ đôi.
Ông Sơn cho biết thêm, trồng mít thì hầu như toàn bộ thân và trái đều được chế biến để tăng thu nhập. Cụ thể như thân cây mít dùng chế tác những sản phẩm gỗ gia dụng; múi phục vụ người tiêu dùng; xơ mít dùng chế biến những sản phẩm ăn chay; mật mít dùng để làm rượu, nước giải khát lên men...Chính những ưu điểm vượt trội nầy mà đã có rất nhiều công ty xuất khẩu tại miền Đông Nam bộ đến mua mít trái về chế biến lẫn đặt mua cây mít giống về trồng làm nguyên liệu chế biến tại chỗ. Đây là xu hướng và thời cơ rất thuận lợi cho loại đặc sản này.
Hiện nhiều hộ dân ở ấp cù lao Phú Bình cũng như xã Vĩnh Bình cũng đang ăn nên làm ra nhờ trồng giống mít "khổng lồ" do ông Sơn mày mò lai tạo được.
Tác giả bài viết: Phan Thị Anh Thư
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn