Mô hình chăn nuôi gà HA sinh sản của người dân xã Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: D.L |
Để thực hiện dự án, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Từ Liêm (Hà Nội) để tiếp nhận các công nghệ, quy trình chăn nuôi, thú y phòng bệnh gia cầm và xây dựng 5 mô hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Tân Trào gồm: gà trứng HA, gà sinh sản hướng thịt, gà Mía lai, ngan Pháp, chim bồ câu Pháp. Nhờ đó, trong 2 năm (2014 - 2015) thực hiện dự án, tổng lợi nhuận của 5 mô hình chăn nuôi gia cầm đem lại là trên 1,23 tỷ đồng/năm. Các hộ tham gia thực hiện các mô hình là những hộ có đủ điều kiện về chuồng trại, diện tích phù hợp đối với từng loại gia cầm. Trong quá trình chăn nuôi, nhờ được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi tốt nên tỷ lệ gà được nuôi sống qua các giai đoạn sinh trưởng, phát triển, đẻ trứng tại các hộ gia đình đạt từ 95 - 97%.
Các mô hình gà đã đem lại hiệu quả cao, thiết thực, cung cấp thực phẩm chất lượng cao ra thị trường cụ thể: 5.000 gà HA sinh sản, trứng sản xuất ra một phần phục vụ khách du lịch tại khu du lịch Tân Trào, các xã lân cận và trung tâm huyện Sơn Dương, một phần cung cấp thị trường thành phố Tuyên Quang… Giá một quả trứng bán lẻ trên thị trường đạt 4.000 đồng/quả, giao cho các tiểu thương là 3.500 đồng/quả. Doanh thu bình quân hàng năm từ 5.000 con gà HA mang lại là hơn 2,06 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 570 triệu đồng/năm. Đối với 2.000 gà sinh sản hướng thịt, giá bán trứng giống 5.000 - 5.500 đồng/quả cung cấp cho các cơ sở ấp trứng trong và ngoài xã, lợi nhuận thu được là hơn 180 triệu đồng/năm. Mô hình 20.000 gà Mía lai thương phẩm cũng cho doanh thu là hơn 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi trên 357 triệu đồng/năm. Đối với các mô hình còn lại, mô hình 3.000 ngan Pháp và 100 đôi chim bồ câu Pháp chủ yếu được bán cho các tiểu thương trong vùng, trọng lượng ngan đạt 3,3 kg/con, giá bán 60.000 - 65.000 đồng/kg. Giá bán chim bồ câu 30 ngày tuổi là 280 - 300 nghìn đồng/đôi. Tổng lợi nhuận hai mô hình này đạt hơn 120 triệu đồng/năm. Hiện các mô hình này đang được bà con trên địa bàn xã và các xã lân cận tiếp tục phát triển, nhân rộng.
Ông Nguyễn Đức Ân, thôn Thi, xã Tân Trào, một hộ tham gia thực hiện dự án cho biết: Lần đầu tham gia thực hiện mô hình điểm bằng phương pháp chăn nuôi quy mô lớn với 800 con gà, ông Ân không khỏi lo lắng, bởi trước đây gia đình ông Ân chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ từ vài con đến vài chục con mỗi năm. Tuy nhiên, khi được cán bộ khuyến nông trực tiếp đến theo dõi, hướng dẫn các phương pháp kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, đàn gà sinh trưởng, phát triển rất tốt. Thông qua mô hình chăn nuôi này, ông Ân nhận thấy khi gà đến giai đoạn gà dò là có thể phối trộn thức ăn bằng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như thóc, bột ngô, cám gạo, bột sắn, bã đậu... nên rất thuận tiện cho người nông dân chăn nuôi; gà chuyển sang giai đoạn thương phẩm thì cần thả vườn, để gà vận động 5 - 6 h/ngày để chất lượng gà ngon hơn.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đỗ Hồng Thanh cho biết, dự án nông thôn miền núi tại xã Tân Trào (Sơn Dương) đã sử dụng công nghệ nuôi tiên tiến, đối tượng gia cầm phù hợp, có giá trị kinh tế nên đã thu hút người dân nuôi gà trứng HA, gà sinh sản hướng thịt, gà Mía lai thương phẩm, ngan Pháp, chim bồ câu Pháp. Dự án góp phần tạo ngành nghề mới cho nông dân có thu nhập cao, tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, làm động lực thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Báo Tuyên Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn