Thông tin này đang khiến nhiều chủ hộ, gia đình làm ăn buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ lo ngại vì vay vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, việc thay đổi đối tượng vay là cần thiết để làm rõ tư cách pháp lý và quy rõ trách nhiệm cụ thể đối với khoản vay ngân hàng. Điều này cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Theo quy định tại Quyết định 1627/2001 của Ngân hàng Nhà nước, các chủ thể được vay vốn bao gồm bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.
Tuy nhiên, theo Thông tư 39/2016 do Ngân hàng nhà nước ban hành, từ ngày 15/3 tới đây, chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn.
Thông tin này khiến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ năn khoăn, lo lắng. Chị Đăng Thị Hoa, chủ một hộ kinh doanh ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ, đang có dự định vay vốn ngân hàng để mở thêm cửa hàng nữa, nhưng không biết tới đây có được vay nữa không.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Thông tư 39/2016 có những quy định giới hạn đối tượng khách hàng được vay tại tổ chức tín dụng, chỉ là pháp nhân và cá nhân, để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 vừa qua. Trong đó nêu rõ, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Quy định của Thông tư 39/2016 quy định lại chủ thể vay vốn, làm rõ thuật ngữ, khái niệm.
Điều này có nghĩa là từ nay trở đi, để vay vốn, các chủ hộ phải tự đứng tên vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh như trước đây nữa.
Vay vốn ngân hàng - người dân phải biết nói dối
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc điều chỉnh này là cần thiết. Bởi nếu cứ cho hộ gia đình vay như trước đây, khi xảy ra vấn đề về tín dụng, nợ xấu, không lẽ phải yêu cầu tất cả những người trong gia đình chịu trách nhiệm về khoản vay? Việc thay đổi đối tượng vay làm rõ tư cách pháp lý và quy rõ trách nhiệm cụ thể đối với khoản vay ngân hàng. Điều này cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Thời gian tới, không chỉ hợp đồng vay vốn mà tất cả hợp đồng dân sự tới đây đều không còn chủ thể giao dịch là “hộ”. Các hợp đồng dân sự (ví dụ hợp đồng mua bán tài sản) nếu ký với hộ sẽ trở thành vô hiệu, vì chủ thể này không được Bộ luật Dân sự 2015 công nhận. Trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng ký hợp đồng cho vay với các hộ kinh doanh và các tổ chức khác sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật BASICO cho rằng: Không phải do Ngân hàng Nhà nước tự quy định mà do trong Bộ Luật dân sự quy định chuẩn cần áp dụng. Cần phải xác định rõ tư cách giao dịch, đại diện.
Theo LS. Đức, hiện các ngân hàng thương mại vẫn có thể cho các hộ kinh doanh vay vốn sản xuất kinh doanh, nhưng cần có hướng dẫn cụ thể không thì mỗi người mỗi ngân hàng hiểu một cách thì sẽ rất rối. Bản thân người dân cũng lo có ảnh hưởng gì không. Cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và thống nhất.
Hiện cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh. Đây cũng là một trong những khách hàng tiềm năng của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng thương mại cho biết, đang nghiên cứu cụ thể Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước để áp dụng trong thời gian tới. Về cơ bản chỉ thay đổi chủ thể đứng ra vay vốn, còn đối tượng vay vốn và chính sách cho vay của ngân hàng với đối tượng trên không thay đổi.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, không có chuyện các hộ sản xuất, hộ kinh doanh phải lập doanh nghiệp mới được vay vốn, mà chỉ là quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân khi tham gia giao dịch. Về lãi suất cho vay khi khách hàng chuyển từ “hộ” sang cá nhân tùy thuộc vào thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, các phương án kinh doanh, tài sản đảm bảo, các chính sách ưu đãi của ngân hàng./.
Bản chất việc hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng