Tín ngưỡng dân gian là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Trong một xã hội nông nghiệp truyền thống gắn với nền văn minh lúa nước thì chuyện lễ hội nhiều và dày đặc cũng là điều dễ hiểu.
Từ nghìn đời nay, lễ hội đã hình thành cùng nguyện ước cầu mong mưa thuận, gió hòa để người nông dân có vụ mùa bội thu, ngư dân ra khơi đánh bắt không gặp mưa to, bão lớn. Và cũng có rất nhiều lễ hội thể hiện sự biết ơn của hậu thế đối với tiền nhân, những người có công khai canh, lập ấp hay mang lại nghề cho làng xã. Lại có lễ hội mở ra để người ta đến mưu cầu hoạn lộ, học hành đỗ đạt… Và dù hình thành từ bất cứ nguyên nhân gì, thì lễ hội đều do chính con người tạo ra.
Theo thời gian, có lễ hội vẫn tồn tại, cũng có lễ hội đã mất đi. Lý do mất đi có thể là quan niệm trong xã hội thay đổi, cũng có thể là do thiên tai, chiến tranh hay điều kiện kinh tế... Ví dụ như lễ hội đấu giá đèn lồng có bốn chữ "Tam Dương Khai Thái" ở đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) diễn ra vào rằm tháng Giêng, có múa lân, đi cà kheo, có hát ca trù, người trúng thầu được kiệu về tận nhà. Tiền thu được trong lễ đấu giá để giúp đỡ người nghèo nên cư dân 36 phố phường tham gia rất đông. Tuy nhiên lễ hội mang đậm tính nhân văn này đã mất vào cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, người dân phải chạy loạn. Lại có khoảng thời gian dài do quan niệm lễ hội là sản phẩm của chế độ phong kiến, trong đó một số lễ hội diễn ra tại đền, phủ bị coi là mang màu sắc mê tín dị đoan nên bị cấm hẳn. Sự đứt quãng khá dài lại không có ghi chép trình thức nên khi chính quyền cho phép phục dựng thì nhiều nghi thức bị quên, rồi người tham gia phục dựng không thấu đáo về văn hóa dân gian nên thêm bớt tùy tiện, dẫn đến sai lệch cả phần lễ lẫn phần hội. Thế nên người đi nhiều lễ hội có nhận xét "phần lễ đều na ná như nhau" là có cơ sở. Không chỉ bị biến tướng về nghi thức, trang phục tế lễ mà kiến trúc của không ít di tích, công trình tín ngưỡng cũng bị biến dạng, ví dụ di tích thời nhà Nguyễn lại đắp hình rồng thời Lý...
Nhưng điều đáng nói là có nơi, chính các ban quản lý di tích đã cố tình làm biến tướng ý nghĩa của lễ hội để trục lợi. Dư luận đồn đại ở đền nọ là "bán ấn" chứ không phải phát ấn như lệ xưa rõ ràng là có cơ sở. Thậm chí ở một số đền, phủ, người ta còn cho con nhang đệ tử làm chuyện "thiêng hóa" di tích để thu hút dân chúng thập phương về lễ bái. Khách càng đông thì tiền giọt dầu, tiền công đức càng nhiều. Mùa lễ hội 2014, ngành văn hóa đã ra chỉ thị cấm người đi lễ hội đền, phủ không được nhét tiền vào tay tượng nhưng năm nay chuyện đó vẫn xảy ra. Trước Tết Ất Mùi, ngành ngân hàng cũng có công văn cấm đổi tiền lẻ ăn chênh lệch trong khuôn viên di tích, công trình tín ngưỡng, song chưa mấy phát huy tác dụng. Ngành văn hóa và ngành ngân hàng không thể đủ người để thanh tra cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, ban quản lý di tích, công trình tín ngưỡng hoàn toàn có thể làm được việc này thì lại làm lấy lệ, bởi làm nghiêm, bản thân họ sẽ mất bổng lộc, địa phương mất nguồn thu, mà nguồn thu có nơi vô cùng lớn.
Khi tín ngưỡng bị trục lợi thì lễ hội trở nên méo mó, dẫn đến sai lệnh giá trị nguyên thủy, vì thế mới sinh ra những chuyện đáng tiếc. Do vậy chấn chỉnh ban quản lý di tích, công trình tín ngưỡng là việc cần làm đầu tiên để các lễ hội diễn ra lành mạnh, có văn hóa.