12:45 EST Thứ hai, 25/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Vườn bưởi da xanh bên dòng Krông Nô

Thứ sáu - 12/05/2017 04:23
Trên hành trình tìm đất thích hợp để trồng cây ăn trái, một lão nông từ miền Tây đã mang kinh nghiệm trồng cây trái đến Đồng Nai, rồi ngược lên huyện Lăk của Đắk Lắk và dừng lại bên bờ sông K’rông Nô thuộc địa phận thôn Tân Tiến, xã Đạ Rsal (Đam Rông) lập nên vườn bưởi da xanh ruột hồng đã đơm hoa, kết trái.

Lão nông Nguyễn Duy Thanh gây dựng vườn bưởi da xanh trên đất Đạ Rsal - huyện Đam Rông. Ảnh: D.Hiền

Trong cái nắng hè như đổ lửa của Tây Nguyên, ông Nguyễn Duy Thanh, 60 tuổi, vẫn cặm cụi ở vườn bưởi để chiết cành. Khi nghe chúng tôi gọi, ông lên tiếng nhưng vườn rộng với tán bưởi che khuất tầm nhìn nên chúng tôi không kịp nhận ra ông. Rồi chủ nhân đi về phía chúng tôi với bộ dạng thật lạ lùng: bên hông cột một túi nhựa đựng tài liệu nhưng bên trong không phải giấy tờ mà là các phụ kiện để phục vụ cho kỹ thuật chiết cành, một bên hông thì cột chùm dây nilon cũng để tiện thao tác công việc chiết cành, trông ông như một người thợ.

Lão nông chỉ dòng nước sông Krông Nô đang mùa cạn và nói như kể chuyện với chúng tôi rằng, để lập được vườn bưởi da xanh ruột hồng này vất vả lắm. Ông đã phải bơi qua cái sông này bằng cách bám vào lốp vỏ bánh xe ô tô bơm căng làm phao, dòng nước này cung cấp nước tưới chủ yếu cho vườn cây ăn trái. Ông nhớ lại cách đây 10 năm, khi đăng ký với xã Đạ Rsal xây dựng mô hình trang trại cây ăn trái, dân ở đây ai cũng nói “ông này khùng chớ ai lại trồng cây ăn trái ở đây”. Nhưng bỏ ngoài tai những lời chê bai cười cợt, vợ chồng ông mua nhà ở khu vực chợ Đạ Rsal, rồi hàng ngày họ bơi qua sông Krông Nô để tới mảnh đất này vì lúc ấy chưa có đường. Do không có đường nên vận chuyển phân tro rất vất vả, vì dòng nước Krông Nô lênh láng mênh mông, họ phải lấy săm ô tô bơm hơi căng lên rồi ngồi trên đi qua.

Trong vườn bưởi da xanh hiện có 2 sào, ngoài ra có chôm chôm, sầu riêng, ổi không hạt... trồng xen vào cà phê rộng 4 ha nữa. Ông Thanh kể: “Tôi vào Đạ Rsal từ 2004 nhưng đến 2007 mới làm cái vườn này. Mục đích của tôi là từ miền Tây lên để trồng cây ăn trái. Đầu tiên chở cây giống từ Bến Tre lên đăng ký làm mô hình trang trại, lúc đó xã chưa có mô hình về cây ăn trái, nên nhiều lúc dân bảo mình là thằng khùng, bởi ở xứ này người ta trồng toàn cà phê mình cứ mang cây ăn trái lên trồng. Hồi đó, năm 2007, tôi chở 1 xe cây giống trị giá 60 triệu đồng, mỗi giống cây một ít, mỗi thứ 100 cây giống để tôi thí điểm đất này. Sau khi tôi trồng được hơn 1 năm thì mới thấy đất này phù hợp với cây ăn trái”. Ông chỉ tay ra con đường nhựa chạy qua bên cạnh vườn bưởi nói: “Hồi trước, tôi trồng cây măng cụt, bòn bon trồng thử mấy chục cây ra trái rất nhiều trên đường này nhưng khi làm đường người ta ủi đi để mở đường rồi. Cho nên tôi thấy đất này hợp với cây ăn trái, bất cứ cái loại cây ăn trái gì cũng thế, rất hợp”.

Mê trồng cây ăn trái nhưng không có nhiều đất để “dụng võ” nên hồi trước dưới miền Tây ông Thanh lên Đồng Nai làm vườn chuyên trồng nhãn, chỉ có 2 ha đất chật quá nên ông lên Tây Nguyên mua đất để làm rộng ra, thử nghiệm để sau này nhân giống. Ông cũng thổ lộ chuyện không vui: “Trong quá trình từ 4 năm nay, tôi định đi vào xây dựng trang trại cây ăn trái luôn nhưng có chuyện gia đình tranh chấp đất đai 4 năm trời nên mình không có tư tưởng ổn định để làm, bây giờ phải cầm cự cho cây sống để vực lại”. Ông nhắc lại câu chuyện năm 2007 cùng vợ về miền Tây chở nguyên 1 chuyến xe cây giống: bưởi, bòn bon, măng cụt, chanh không hạt, chôm chôm, sầu riêng, ổi không hạt trồng thử nghiệm. “Lúc tôi đến mua đất ở đây toàn là rừng, cây tạp. Đường vào vườn toàn phải đi qua đường sông này, rất khó khăn, sáng xe máy quăng bên bờ sông Krông Nô kia, bắt đầu bơi qua sông, bây giờ nước đã cạn chứ lúc đó toàn nước ngập đầu. Khi ủi đường này, vợ chồng tôi bán cái nhà ngoài chợ Đạ Rsal để chuyển vào đây làm nhà bắt đầu trực tiếp ở tại vườn để mình vừa làm vừa nghiên cứu luôn”.

Ông dự tính nhân giống ra trồng 3 ha bưởi, 1 ha cam, 5 sào vú sữa. Ông chỉ vào cây vú sữa dọc bờ sông Krông Nô và nói: “Qua trồng thử vú sữa ra rất nhiều trái, gãy cả cành”. Hiện nay, riêng vườn bưởi da xanh đã cho gia đình ông thu nhập năm 2016 hơn 300 triệu đồng từ 60 cây. Đầu ra là mối ở Đà Lạt đến tận vườn lấy hàng. Giọng ông Thanh trở nên hồ hởi: “Nói cái thương hiệu này - Bưởi da xanh - nó có rồi, đúng chuẩn của nó là Bưởi da xanh ruột hồng, cho nên bây giờ nhà tôi có nhiều mối thu mua đến với mình, để có hàng cung cấp cho người ta buộc mình phải nhân rộng thêm mô hình này ra”. Ông Thanh cho biết thêm: “Cả buổi sáng giờ tôi cột mấy cây ổi, nhân giống ổi. Ổi trồng xen với bưởi, trong vườn hiện có 360 cây, giờ đang trồng tiếp, ổi không hạt, ổi chuẩn của miền Tây luôn đấy! Mấy cây lớn đã cho thu hoạch, vừa rồi tôi hạ xuống vì nó choáng bưởi quá. Giá ổi bây giờ 20 ngàn đồng/kg mà mình không có hàng cung cấp cho người ta, nên bây giờ, tôi phải nhân rộng ra. Mình làm cái gì, trồng cây gì mà nó đi vào thị trường sôi động hơn, nghĩa là tiêu thụ được thì mình nhân rộng”.

Gia đình ông hàng năm thu nhập từ cà phê, sầu riêng, bưởi, chôm chôm,… khoảng 600 triệu đồng, riêng bưởi chiếm một nửa thu nhập. Nhân công cần lúc cao điểm tăng thêm khoảng 3-5 công bên ngoài vào, còn ông thì suốt ngày ở vườn. Ông Thanh so sánh nguồn lợi từ canh tác bưởi và cà phê: “Sau khi tôi thí điểm làm thấy giống bưởi này đạt hiệu quả, có 60 cây bưởi đạt cao hơn mấy ha cà phê của tôi trên đồi. Bởi vì lượng cà phê trên đồi cho thu nhập không bằng mấy cây bưởi này. Cà phê phải thu hoạch cùng một lúc, còn bưởi này cứ thu lai rai. Như hiện bây giờ cứ 1 tháng mối ở Đà Lạt đánh xe xuống 2 lần để lấy bưởi về dịp rằm và mồng 1 (cứ khoảng 12 AL và 27 AL người ta vào vườn thu mua). Người ta vào tận vườn cắt trái xuống đóng thùng còn tôi cứ việc cân lấy tiền thôi, 50.000 đồng/kg; 1 tháng thu 2 lần thu hoạch ít nhất cũng được 300 kg bưởi”.

Lão nông miệt vườn miền Tây thổ lộ: “Mình là nhân vật chính trong vườn này. Đất ở đây và nước sông này phù hợp để trồng cây ăn trái. Đặc biệt, tôi đang thử nghiệm trồng ổi tím, trái tím và lá tím luôn, ăn cũng đạt lắm, rất ngon. Về giống bưởi da xanh chủ yếu tôi tự nhân ra trồng và đáp ứng cho bà con có nhu cầu. Giá cây lớn 150.000 đồng/cây, còn nếu trên cây mới cắt xuống cho vào bầu thì 50.000 đồng/cây. Cây giống được làm bằng kỹ thuật chiết cành chứ không ghép bởi vì nếu ghép thì sau này bưởi nó bị lai thì không đúng chuẩn của nó. Tất cả các kỹ thuật chiết cành mình làm tự rút kinh nghiệm, cái nào hay thì mình áp dụng, cái nào không hay thì mình bỏ, chứ chưa được học qua lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nào để mà áp dụng, tự mày mò thôi”.

Nhận xét về chất lượng, ông Thanh tự công bố: “Bưởi ở đây, tôi có gửi trái cho thằng cháu làm ở Đại học Cần Thơ chuyên nghiên cứu về bên cây trồng này thì nó nhận xét bưởi ở đây đạt hơn ở miền Tây về độ ngọt, độ trái đẹp, trái to đạt hơn miền Tây, trọng lượng to nhất 3 kg/trái”.

Một hành trình vất vả của đam mê dấn thân vào việc trồng cây ăn trái, khởi đầu từ quê vợ ở Bến Tre xứ miệt vườn miền Tây, ông Thanh lên mua đất ở Đồng Nai làm vườn nhãn nhưng thấy đất chật ít quá không đáp ứng được cái mong muốn làm mô hình rộng nên bán cả gia tài rồi chuyển lên Tây Nguyên mua đất bên sông Krông Nô để thỏa chí làm vườn. Ông Thanh kể tiếp câu chuyện: “Trước khi bám trụ ở đất Đạ Rsal này, tôi ở bên sông Krông Nô phía buôn thuộc huyện Lăk của Đắk Lắk, tôi đã mua 3 ha trồng thử cây ăn trái rồi nhưng thấy lúc bắt đầu làm có trận mưa đầu tiên đổ xuống thì nước không rút mà nước nằm trên mặt đất có khoáng là tôi biết thổ nhưỡng không hợp. Đất bên đó là đất pha thịt nên xem chất đất ở đó trồng cây ăn trái không đạt bằng bên Lâm Đồng nên tôi quyết định đi qua sông sang đất Lâm Đồng”. Nhà ông ở bên kia đường nhựa đối diện vườn bưởi da xanh, sau nhà sầu riêng cho nhiều bông. Ông rời vườn mời chúng tôi vào nhà uống ly nước mát và liệt kê những cây trái đã trồng trên vùng đất này sau 10 năm miệt mài thử nghiệm thành công: 20 cây dừa, 100 cây dâu da, bòn bon, măng cụt, bưởi da xanh, ổi tím, chôm chôm Thái, chôm chôm nhãn, sầu riêng 2 loại: Ri6 và sầu riêng Thái, dâu da, chanh không hạt, vú sữa Lò Rèn… đã cho thu hoạch.

Về giống, lúc đầu vườn bưởi ông chỉ để thu trái và cung cấp giống cho bà con, khi mở rộng trồng thêm thì ông tiếp tục lấy giống từ miền Tây lên, nhưng giờ ông cho biết: “Giống bây giờ tôi biết là hàng trôi nổi nhiều nên không dám lấy giống bên ngoài nữa, nên mình tự tạo giống cây cho mình. Trước giờ tôi bán đã hơn 1.000 cây giống bưởi da xanh, mỗi người lấy 100-200 cây và hiện đang có 1 mối lớn ở Lâm Hà đặt tiền 400 cây giống tháng 5 này xuất, nên tôi đang làm gấp rút”.

Dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại để thành công là những điều chúng tôi hiểu về “lão nông tri điền” Nguyễn Duy Thanh với vườn bưởi da xanh ruột hồng đang mùa kết trái mọng bên bờ sông Krông Nô này.

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 150


Hôm nayHôm nay : 62410

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1201851

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71429166