Xã Đại Minh nằm cạnh bờ sông Chảy, đó là một doi đất hình nan quạt xòe ra ba mặt giáp sông. Nơi đây một tiếng gà gáy người dân ba tỉnh: Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ đều nghe thấy.
Khi thủy điện Thác Bà chưa chặn dòng, thì ruộng đồng, soi bãi khu vực giáp sông thường xuyên bị ngập lụt. Sau mùa lũ, cây cối tốt tươi lạ kỳ, nhất là bưởi, cây nào quả cũng sai lúc lỉu, phải dùng cây chống để cành không bị gãy.
Ông Hoàng Minh Hiến bên cây bưởi cổ thụ thôn Khả Lĩnh
Nói đến bưởi Đại Minh thì ngon nhất vẫn là bưởi Khả Lĩnh, ngôi làng nằm giáp bờ sông Chảy, nơi Ngô Vi Lã, một quan đại thần triều hậu Lê lập trang trại sau khi bỏ nhà Lê theo chúa Bầu.
Bưởi Đại Minh quả tròn, vỏ mỏng, múi mọng nước, tôm đều và không bị khô, ăn có vị ngọt mát, để ở nơi râm mát sau Tết đến tháng tư ăn vẫn ngon. Ngày trước, do bưởi ở đây nhiều nên lũ trẻ chăn trâu đã kết những trái bưởi thành các phao để bơi qua sông Chảy. Người cuối dòng sông vớt lên bổ ăn thấy ngon, mới lần theo dòng sông tìm ra nơi trồng giống bưởi Khả Lĩnh ngon ngọt nhất vùng.
Hằng năm quan lại địa phương chọn những trái bưởi thơm ngon nhất làng mang về tiến vua. Giống bưởi Khả Lĩnh được nhân rộng khắp nơi, tại nơi này còn một số cây bưởi cổ thụ tuổi đời hơn trăm tuổi. Đó là nhân chứng về mảnh đất của giống bưởi quý.
Bưởi Đại Minh từng trải qua những năm tháng thăng trầm, đó là những năm trước đây người dân đã chặt gần hết những cây bưởi chua chỉ để lại những cây bưởi ngọt. Từ đó năng suất giảm dần, người dân chẳng hiểu vì sao lại như vậy, nên nhiều hộ chặt bưởi thay thế loại cây trồng khác. Vùng bưởi tiến vua có nguy cơ bị xóa sổ.
Năm 2007 Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức khảo sát, nghiên cứu rồi tập huấn cho 7 hộ ở các thôn: Khả Lĩnh, Cầu 17, Quyết Tiến "Qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh", bón tổng hợp cân đối các loại phân, thụ phấn nhân tạo bổ sung…
Trong đó đáng chú ý nhất là việc dùng hoa bưởi chua thụ phấn cho cây bưởi ngọt. Đây là biện pháp kỹ thuật thụ phấn chéo, những hộ tham gia tập huấn năm 2010 được mùa bưởi to, có hộ thu trên 140 triệu tiền bán bưởi.
Bưởi gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng chờ người đến bán
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình:Huyện Yên Bình đang tiến hành quy hoạch hai xã Đại Minh, Hán Đà với diện tích 200ha trồng bưởi Đại Minh. Để xây dựng thành vùng bưởi có thương hiệu. Hàng năm huyện giao cho Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV xuống xã giúp người dân chăm sóc và kỹ thuật thụ phấn nhân tạo. Trong tương lai phải dán nhãn hiệu, để bưởi Đại Minh không bị nhiều nơi khác mượn danh... |
Giữa tháng 11/2014 tôi cùng ông Nguyễn Quốc Ân - nguyên PGĐ Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh Yên Bái về thôn Khả Lĩnh là quê hương của ông. Ông Hoàng Minh Hiến cho hay: Khi bưởi to bằng nắm tay đã có các thương lái về đặt tiền mua, giá 25.000đ/quả.
Đến tháng 10 thì không mấy hộ còn giữ được vườn bưởi. Gia đình ông có những cây bưởi ngon nhất thôn Khả Lĩnh, hầu như ngày nào cũng có dăm sáu người đến hỏi mua bưởi non, không năm nào giữ được, lại do cần tiền nghe họ hỏi sốt ruột quá nên bán từ cuối tháng 8 rồi, cũng thu được ngót 100 triệu.
Ông Hiến cho hay: Không mấy gia đình ở Đại Minh giữ được bưởi đến cuối tháng 10, những gia đình còn bưởi là giữ hộ người ta thôi. Vả lại, bán cho thương lái được luôn cục tiền, chứ giữ lại bán thì tiền thu về lắt nhắt. Nên nhiều hộ bán cả vườn cho thương lái, chỉ họ mới có các đầu mối giao hàng...
Tôi muốn mua mấy quả bưởi “chính hãng” Khả Lĩnh, hỏi mãi mới hay giờ chỉ còn gia đình anh Phạm Văn Tiến, ở cách nhà ông Hiến một vườn bưởi. Anh Tiến không có ở nhà, vợ tên là Thanh đang lúi húi ngoài bãi nghe có khách đến mua bưởi mới về nhà.
Chị Thanh mở chiếc hòm gian to tướng đặt gần choán cả gian nhà tre bảo: Bưởi trong này cháu chọn rồi, giá 50.000đ/quả. Các bác mua nhiều hay ít giá cũng vậy thôi. Nhiều người đã đặt mua với giá ấy, họ mang ra ngã ba Cát Lem bán với giá 70.000đ/quả đấy bác ạ...
“Đắt xắt ra miếng”, đúng như các cụ xưa đã nói. Bưởi Khả Lĩnh vỏ mỏng, múi mọng nước, ăn vào ngọt mát cả cuống họng. Ông Ân mua 20 quả để làm quà cho mấy anh bạn cùng khóa Đại học Thủy lợi nhân ngày gặp mặt 20/11.
Nay tôi trở lại Đại Minh, đi tới đâu cũng râm ran chuyện bưởi. Năm nay Đại Minh thắng vụ bưởi lớn, theo thống kê sơ bộ thì cả xã có khoảng 120ha bưởi thu về trên 30 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình, người thôn Khả Lĩnh cho hay: Có khoảng chục hộ thu vài trăm triệu đồng từ bưởi, những hộ thu vài chục đến trăm triệu thì không tính được. Người dân Đại Minh đang khá lên là nhờ cây bưởi...
Vườn bưởi thu hoạch cả trăm triệu đồng
Gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Cầu 17 trong số ít hộ còn giữ lại khoảng hai trăm quả bưởi. Số bưởi này đã có người ở tận Hà Nội lên đăng ký mua rồi. Ông bảo: Bưởi ở đây không ngon bằng bưởi thôn Khả Lĩnh, giá bán tại nhà chỉ 35.000-40.000đ/quả. Do trồng bưởi thu nhập cao, nên nhiều gia đình san lấp ao hồ để trồng bưởi. Nhiều hộ đang đã xin phép chính quyền lấp ruộng để trồng bưởi...
Theo ông Dũng, nhiều hộ thu từ 250-450 triệu đồng tiền bán bưởi như gia đình các ông bà: Đông-Nga thu 250 triệu, ông Kết bán một đợt được 140 triệu, ông Tạ Minh Tân bán hai đợt thu khoảng 450 triệu; nhiều hộ không nhớ hết được...
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn