Người dân mua sản phẩm OCOP tại Hội chợ, triển lãm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam - Quảng Ninh năm 2019. Ảnh: Đỗ Quang |
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn. Từ năm 2014 đến nay, chương trình OCOP đã thu hút được trên 140 đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sản xuất trên 350 sản phẩm, trong đó 138 sản phẩm đạt chuẩn từ 3-5 sao. Đến nay, tất cả các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá điều kiện an toàn cho sản phẩm, đồng thời tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và uy tín của nhà sản xuất.
Huyện Tiên Yên là một trong những địa phương có nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, như: Gà Tiên Yên, khau nhục, kẹo lạc hồng, bánh ngọt Tiên Yên... Để giữ uy tín trên thị trường, hầu hết các hộ sản xuất sản phẩm OCOP tại đây luôn chú ý đảm bảo ATTP trong các công đoạn, từ việc sơ chế, chế biến đến bảo quản thực phẩm, nhất là chú trọng ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào các công đoạn nhằm đảm bảo ATTP. Cơ sở sơ chế, chế biến khau nhục do bà Lã Thị Bình (thị trấn Tiên Yên) làm chủ đã có trên 20 năm làm nghề, được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Bà Bình cho biết: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tôi rất chú trọng đến nguồn gốc, giấy tờ hợp lệ của các nguyên liệu. Đồng thời đầu tư nồi hấp, máy hút chân không, tủ bảo ôn để chế biến, bảo quản sản phẩm sạch sẽ, an toàn.
Sản phẩm khau nhục Tiên Yên được hấp 3 tiếng trong nồi điện. |
Để đảm bảo ATTP, tỉnh cũng triển khai dự án phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gồm: Chả mực, rau, gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn. Đến nay, Quảng Ninh đã có 16 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Trong đó, 10 chuỗi được cấp giấy xác nhận chuỗi sản phẩm an toàn, 6 chuỗi được xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm thực hiện và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo ATTP nhằm phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình đảm bảo ATTP, như: Mô hình điểm chợ bảo đảm ATTP phường Hồng Hà; đặt cố định bộ test kiểm nghiệm nhanh ATTP tại 18 chợ (hạng I); chấm điểm phân hạng nhà hàng, khách sạn khu du lịch trên địa bàn TP Hạ Long...
Các ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực ATTP. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để các sản phẩm OCOP, đạt chuẩn VietGAP đến gần người tiêu dùng. Các tổ chức hội, đoàn thể đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền đến hội viên, nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Điển hình như Hội Nông dân tỉnh phối hợp vận động trên 70.000 hội viên tham gia phát triển các hình thức liên kết sản xuất theo quy trình kỹ thuật an toàn. Theo đó đã xây dựng được 10 HTX, 12 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, 11 CLB ngành nghề theo mô hình liên kết sản xuất đảm bảo ATTP; duy trì 16 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và xử lý môi trường. Hay, các cấp hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết thực hiện đảm bảo ATTP trong hội viên, phụ nữ. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các hội viên trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không sử dụng các chất cấm trong chế biến, nhập hàng hóa thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; xây dựng các tổ, nhóm hội viên sản xuất thực phẩm sạch...
|
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra việc chế biến thực phẩm tại nhà hàng Chợ quê (Làng hành hương Yên Tử, TP Uông Bí). |
Theo ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thì điều tiên quyết vẫn là đề cao lương tâm, trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP. Đồng thời phát huy quyền của người dân trong việc phát hiện, tố giác những đơn vị, cá nhân không tuân thủ các điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP. Qua đó, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất vệ sinh ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường nhằm chống gian lận trong thương mại như: Kinh doanh kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh ATTP, không bảo đảm về đo lường... góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Nguyễn Hoa
Nguồn tin: http://quangninh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn