Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, song đến nay mới chỉ có 13 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu. Đây là một thiệt thòi lớn cho người nông dân bởi nhiều sản phẩm nông sản làm ra đạt chất lượng cao nhưng do chưa có thương hiệu nên khó tiêu thụ.
Hiệu quả kinh tế từ thương hiệu
“Rau hữu cơ Sóc Sơn” là nhãn hiệu nông sản đầu tiên của Hà Nội do Hội Nông dân (ND) xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn là chủ sở hữu. Bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch HND xã Thanh Xuân cho biết: Cách đây 5 năm, mô hình sản xuất rau hữu cơ đã được triển khai tại Sóc Sơn. Đến nay, mô hình này có tổng cộng 14 nhóm sản xuất, trong đó có 8 nhóm sản xuất tập trung, 6 nhóm hoạt động riêng lẻ. Nhờ có nhãn hiệu tập thể mà đến nay “Rau hữu cơ Sóc Sơn” không đủ cung cấp cho các công ty thu mua. Hiện, sản phẩm rau hữu cơ tại Thanh Xuân được 10 công ty và 5 cửa hàng chính thức thu mua với giá ổn định 14.000 đồng/kg rau, củ, quả các loại. Ngoài ra còn được một số cửa hàng bán lẻ có uy tín trên thị trường Hà Nội thu mua. Vì vậy, bà con rất yên tâm để đầu tư và tập trung nguồn lực cho sản xuất.
Đón nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi tôm vàng” Đan Phượng.Ảnh: Lê Hải |
Tại huyện Đan Phượng, cây bưởi tôm vàng đã được đưa vào trồng từ năm 1995, đến nay đạt diện tích 345ha. Sau gần 20 năm đưa vào thâm canh, với sự kết hợp các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm của người dân, đến nay, chất lượng bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được cải thiện với các đặc tính như: quả nhỏ (đường kính trung bình từ 12 – 15cm); vỏ vàng, cùi mỏng, múi to và đều, tép bưởi màu vàng nhạt, ráo nước và giòn, có vị ngọt dịu, không he; thời gian bảo quản từ 3 – 4 tháng, rất thuận lợi để tiêu thụ. Do thời gian chín và thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên sản phẩm được tiêu thụ nhanh, giá cao, trung bình từ 35.000 – 50.000 đồng/quả. Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, năm 2012, sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. UBND huyện Đan Phượng đã giao Hội ND xã Thượng Mỗ là chủ sở hữu. Ông Nguyễn Tuấn Ngại – Chủ tịch Hội ND huyện Đan Phượng cho rằng: Việc xây dựng nhãn hiệu vừa bảo vệ và phát triển danh tiếng của bưởi tôm vàng Đan Phượng, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định và phát triển kinh tế địa phương…
Tiếp tục xây dựng
Nhận thức về giá trị của thương hiệu, từ nhiều năm qua, Hội ND TP Hà Nội đã phối hợp với các địa phương quan tâm, đầu tư cho việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn. Lý giải cho thực trạng này, ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND TP Hà Nội cho biết, là do một bộ phận cán bộ, hội viên ND chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP còn nhỏ lẻ, liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ và thiếu tính bền vững, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để điều chỉnh giữa các bên tham gia liên kết…
Để xây dựng thành công và phát huy giá trị thương hiệu của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội, theo ông Trịnh Thế Khiết, các cấp Hội ND trên địa bàn TP cần đẩy mạnh tổ chức các sự kiện, các hoạt động truyền thông; vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, vừa cung ứng các dịch vụ truyền thông tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, thương mại, cơ chế chính sách… để người dân nắm được. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành chức năng của TP và quận, huyện, thị xã xây dựng nhiều điểm tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp hoặc phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của ND; tổ chức hoặc tham gia hội chợ và triển lãm xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Tổ chức tư vấn và tham gia phối hợp dạy nghề cho ND. Chỉ tiêu đề ra của Hội ND TP là: Hàng năm, các cấp hội tham gia xây dựng từ 1 – 2 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp truyền thống; mỗi cấp hội xây dựng từ 1 – 2 mô hình chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Hy vọng rằng, với những giải pháp trên, Hội ND Hà Nội sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế và phát huy giá trị cho nông sản của Thủ đô.
Theo ktdt.vn