Tái cấu trúc ngành Trước những thách thức không nhỏ đối với ngành chăn nuôi trong nước, tất yếu khách quan chúng ta phải tái cấu trúc lại ngành theo hướng phát triển bền vững. Sự phát triển chăn nuôi đang là nhân tố quan trọng, quyết định chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, trở thành ngành sản xuất chính, ngành sản xuất hàng hóa có quy mô và tỉ suất cao xét cho cùng là hình thành một ngành công nghiệp đặc thù. Phát triển chăn nuôi mang tính công nghiệp càng cần có những cơ sở và điều kiện thích ứng. Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu dinh dưỡng và các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi để tạo cuộc cách mạng về năng suất, chất lượng chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường, chăn nuôi, giết mổ, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm. Thành lập một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở các vùng miền. Triển khai triệt để cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Nâng cao năng lực hoạt động khoa học, công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tạo sự đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ về chăn nuôi. Khuyến khích tạo điều kiện cho các DN, trang trại, gia trại đổi mới ứng dụng công nghệ, thiết bị đồng bộ hiện đại trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Áp dụng nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn GMP, HACCP, VietGAP trong sản xuất. Hoàn thiện chương trình khuyến nông chăn nuôi, xây dựng được những mô hình hoàn chỉnh hiệu quả kinh tế cao có sức thuyết phục và sự lan tỏa trong sản xuất. Thứ hai, để có sản phẩm chăn nuôi có đủ tiêu chí chất lượng, quy mô và tỉ suất hàng hóa cao, không con đường nào khác phải chăn nuôi trang trại. Do vậy, cần có chính sách tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, kiểm soát chặt chẽ chăn nuôi phân tán, phân bố lại các cơ sở chăn nuôi. Thực hiện Quyết định 396/QĐ-TTg ngày 20-4-2004 của Thủ tướng Chính phủ chuyển dần các cơ sở chăn nuôi tập trung đến nơi quy hoạch xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đối với DN trong nước: sửa đổi Nghị định 61/2010/NĐ-CP khuyến khích tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực vào phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm, chế tạo thiết bị chăn nuôi, bảo quản thực phẩm. Với DN đầu tư nước ngoài: Rà soát điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, kiểm soát trình độ công nghệ, thiết bị ưu tiên công nghệ cao đồng bộ bảo đảm vệ sinh môi trường, chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng trong giải quyết thủ tục đầu tư. Thứ ba, để góp phần phát triển sản xuất, một trong những giải pháp quan trọng là quản lý thị trường cần thực thi nghiêm túc, công tác quản lý chất lượng sản phẩm cần thường xuyên hơn nữa, tổ chức dán nhãn cấp chứng chỉ để giảm thiểu hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tuy đã có chuyển biến song cần có dự báo thị trường trong nước và quốc tế một cách chính xác, tích cực tổ chức hội chợ, triển lãm ở nhiều vùng và phát triển thị trường tiêu thụ. Thứ tư, cần có chế độ đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học chăn nuôi thú y, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ bắt kịp khu vực và thế giới. Tăng cường huấn luyện cho các chủ trang trại, gia trại nhất là đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ. Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình dạy nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế để tranh thủ công nghệ cao, học tập trao đổi kinh nghiệm của các nước trên thế giới. |
Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát: Đồng bộ các giải pháp Thứ nhất, Bộ đang rà soát để cơ cấu lại ngành chăn nuôi cùng các địa phương xác định các loại gia súc gia cầm phù hợp với từng địa phương. Thứ hai, tập trung vào giải quyết khâu giống. Qua rà soát Bộ thấy năng suất của nhiều loại gia súc gia cầm của nước ta còn thua kém so với các nước khác nên cần có điều chỉnh quyết liệt trong lĩnh vực này. Thứ ba, khuyến khích phương thức chế biến thức ăn nông nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, đồng thời rà soát quy hoạch khuyến khích phát triển sản xuất trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi. Thứ tư, phổ biến cho nông dân những hình thức chăn nuôi tiến bộ, chuyển dần theo hướng chăn nuôi công nghiệp để đạt hiệu quả cao hơn. Phương hướng chính của bộ đặt ra là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm giảm giá thành chăn nuôi để trong điều kiện khó khăn người nông dân vẫn có lãi. Chúng tôi đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Và đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hy vọng, đây sẽ là một điểm tựa để vực dậy ngành chăn nuôi trong bối cảnh hiện nay. Ông Phạm Đức Bình - Tổng giám đốc Cty Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN: Họ bài bản hơn ta Ngành chăn nuôi vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn do thiếu chính sách hỗ trợ, quy hoạch, định hướng phát triển. Thực tế, ngành chăn nuôi trong nước còn kém xa về quy mô, năng suất, giá thành, chất lượng với các nước trong khu vực. Vì vậy, khi chính sách bảo hộ không còn, chắc chắn người chăn nuôi, DN sẽ gặp khó khăn. Mặc dù, cũng phụ thuộc vào con giống, nhưng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ba quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển nhất khu vực lại đi trước VN về trình độ công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là quy mô đàn và năng suất lao động. Một nhân công nuôi gà ở Thái Lan có thể quản lý đàn gà công nghiệp 20.000 con, trong khi công nhân VN cao lắm cũng chỉ được 5.000 con. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan có chính sách đầu tư cho chăn nuôi khá bài bản, DN tự chủ nguyên liệu thức ăn, các chất phụ gia, khoáng chất… chứ không phải nhập khẩu gần như hoàn toàn như VN. Họ có thêm các lợi thế về vốn vay rẻ, không phải chịu thuế VAT đầu vào thức ăn và có chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ phía Chính phủ, nên giá thành sản phẩm thấp hơn VN ít nhất là 15 - 20%. Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa: Trang bị kiến thức KHKT cho nông hộ Sự bất ổn của ngành chăn nuôi thời gian qua một phần do các giải pháp, dự báo thị trường hàng năm đối với ngành thực hiện qua loa, không sát với thực tế khiến DN đầu mối không nắm được nhu cầu thị trường rồi chăn nuôi tràn lan theo phong trào thay vì tập trung vào vật nuôi lợi thế để gia tăng lợi nhuận. Trong khi đó, nhiều DN nước ngoài vào VN đưa KHKT vào chăn nuôi nên họ "áp đảo” ngành chăn nuôi trong nước. Thực tế hiện nay, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm 60-65%, khu vực này đang "đói” về kỹ thuật. Những hộ này chủ yếu chăn nuôi bằng kinh nghiệm nên năng suất không cao và khi có dịch bệnh xảy ra thì gia súc, gia cầm chết hàng loạt. Mai Thanh ghi |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn