Có người bạn nói chuyện với tôi về mệnh vận. Anh ta nói: tôi cực lực phản đối thuyết con người có mệnh vận và nêu ra một số lý do để chứng minh quan điểm của mình là đúng. Ví dụ, nếu có người nói con người có mệnh vận, thế thì những người sinh cùng năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây vì sao chỉ có một người làm vua. Nước ta có rất nhiều người giờ sinh như nhau, mệnh vận của họ nên giống nhau mới đúng, tại sao lại không giống? Luận điểm của anh ta rất rõ ràng, chỉ cần cùng thời gian sinh thì mệnh vận sẽ như nhau, không thể khác nhau tí nào hoặc phân thành suy vượng được.
Tôi hỏi anh ta: ngày cùng là ngày cả thế tại sao còn có xuân hạ thu đông, có nóng lạnh khác nhau ? Ðất cũng là cùng một quả đất, vì sao có chỗ nước, chỗ không, chỗ cao, chỗ thấp? Cùng một mảnh đất, cùng một hạt lúa, cùng trồng sáu tháng vì sao có cây cao, cây thấp? Cũng một cành cây, tại sao có quả to, quả nhỏ. Nhân thể là một khối thống nhất, tại sao công năng của lục phủ, ngũ tạng lại có cái mạnh, cái yếu, có cái tốt, cái xấu? Vì sao có người chỉ có gan mộc khối u, còn các phủ tạng khác thì lại tốt? Tôi lại nói cơ thể con người là thống nhất, lục phủ ngũ tạng ở trong mình là tự người mẹ sinh ra, tất cả cùng giờ sinh thế mà chỉ có gan mọc khối u còn những tạng phủ khác thì không bị. Vậy giữa chúng quả thực có sự khác nhau rất lớn.
Ông bạn ấy nghe tôi nói đã hiểu được vấn đề và nói lại là: "Ừ, đúng nhỉ! Lục phủ ngũ tạng đều cùng một giờ sinh, thế mà lại khác nhau rất lớn, thật đáng nghiên cứu.". Tôi nói với anh ta: "Tổ tiên chúng ta từ lâu đã nghiên cứu ra rồi, đó là lục phủ ngũ tạng đều có âm dương, có ngũ hành tương sinh tương khắc, mỗi cái chủ suy vượng của 4 mùa, cho nên cùng một giờ sinh, nhưng khác nhau rất lớn".
Những người cùng giờ sinh, vì sao mệnh lại không giống nhau? Nguyên nhân rất nhiều, không có cách nào để giải thích cho rõ ràng, tỉ mỉ được. Tôi chỉ nói vắn tắt như sau:
1) Phương vị khác nhau, như phương nam là hỏa, phương đông là mộc, phương bắc là thủy, phương tây là kim. Người mệnh hỏa nhưng sinh ở phương nam hay phương bắc sẽ khác nhau. Phương nam là đất hỏa vượng, phương bắc bị thủy khắc cho nên không như người sinh ở phương nam.
2) Năm mệnh của phụ mẫu khác nhau.
3) Năm mệnh của anh chị em khác nhau.
4) Năm mệnh hôn nhân khác nhau.
5) Năm mệnh của con cái và số con đều khác nhau.
Vì năm mệnh của những người trong gia đình khác nhau, mức độ ngũ hành sinh khắc sẽ khác nhau, do đó ảnh hưởng đối với con người cũng sẽ khác nhau. Ví dụ có một người mệnh Mộc, cha mẹ đều là mệnh Kim, đều khắc anh ta. Có người tuy cũng là mệnh Mộc, nhưng cha mẹ đều là mệnh Thủy, thủy sinh mộc. Người bị khắc cuộc sống sẽ không thuận, người được tương sinh cuộc sống sẽ thuận.
6) Nam nữ khác nhau, do đó mà có sự vận hành thuận, nghịch khác nhau.
7) Tướng mặt, vân tay không giống nhau cho nên việc nó làm chủ cũng khác nhau.
8) Cốt tướng của người khác nhau.
9) Mộ tổ, nhà ở khác nhau, phương vị khác nhau. Ngày xưa đã có câu "Nhất mộ, nhì phòng (nhà ở), tam bát tự", tức là nói mệnh vận tốt, xấu của một người, thứ nhất quyết định ở phong thủy phần mộ ông cha tốt hay xấu; thứ hai quyết định ở phong thủy của nhà ở; thứ ba quyết định ở sự sắp xếp tổ hợp của tứ trụ. Cho nên, cho dù ngày giờ sinh giống nhau, nhưng phần mộ tổ tiên và nhà ở không hoàn toàn giống nhau được.
10) Gen di truyền của mỗi người khác nhau.
11) Hoàn cảnh, điều kiện gia đình của mỗi người khác nhau.
12) Ðiểm sáng của sao chỉ có một. Tuy có hàng nghìn, hàng vạn người cùng giờ sinh, nhưng điểm sáng của sao trực ban quyết không phải người nào cũng nhận được. Nếu điểm sáng này chiếu đúng vào nhà một người nào đó, hoặc đúng lúc người mang thai đang sinh, người đó có thể sẽ là hoàng đế, còn những người khác thì không làm nổi hoàng đế. Nếu có một tạp chí nào đấy đã thông báo: bố mẹ Mao Trạch Ðông đều không đồng thời nhìn thấy vầng đỏ phía đông phòng họ rồi sau đó mang thai Mao Trạch Ðông, đương nhiên vầng đỏ này không phải là tất cả các bậc bố mẹ của những người cùng giờ sinh đều thấy được.
Có một câu chuyện như sau:
Chu Nguyên Chương đời Minh sau khi đã làm Hoàng đế nghĩ rằng, mình đã làm vua và những người cùng giờ sinh với mình cũng là "mệnh Hoàng đế" cả, nếu không giết hết họ sau này sẽ có người tranh ngôi. Do đó ông đã ra lệnh giết, giết loạn mà không thương tiếc. Khi giết đến nửa chừng, Chu Nguyên Chương lại nghĩ nên bắt mấy người cùng giờ sinh với ông đến để hỏi xem họ làm nghề gì, sau đó giết cũng chưa muộn. Chu Nguyên Chương hỏi một người trong số đó: "Ông làm gì?" - "Nuôi ong" - "Nuôi bao nhiêu ong?" "Nuôi 9 tổ", tất cả mấy vạn con".
Chu Nguyên Chương sau khi nghe, vừa sợ vừa mừng: mình làm Hoàng đế thống trị cả 9 châu, 9 chư hầu. Ông ấy nuôi 9 tổ ong, có 9 ong chúa. Số ong của ông ấy nuôi và số người của mình cai trị đại thể giống nhau. Xem ra mình và ông ta không đều là Hoàng đế của người cả, làm hoàng đế của người chỉ có một mình, còn người khác, có người làm vua của ong, có người làm vua của tằm, có ngừơi làm vua của cá... Do đó Chu Nguyên Chương cảm thấy yên tâm và ngừng lệnh giết những người cùng ngày sinh.
Về vấn đề vận mệnh của những người sinh đôi có giống nhau hay không ?, có thể nói không hoàn toàn khác nhau. Vì cho dù cùng sinh trong một giờ, nhưng có trước có sau. Nếu không cùng sinh trong một giờ thì khác biệt còn rõ hơn nữa. Tôi đã sơ bộ điều tra thấy rõ, những người sinh đôi sau khi kết hôn thì sai lệch rất rõ, nguyên nhân là vì những người bạn đời họ chưa ít khi đều cùng một năm mệnh, cũng không thể cùng giờ sinh. Như vậy các thành viên tổ thành gia đình này phát sinh ra biến hóa, ngũ hành sinh khắc cũng đồng thời phát sinh biến hóa, cho nên mệnh vận của hai người sẽ khác nhau.
Vạn vật trong tự nhiên, thậm chí là trong cùng một sự vật, sự phát triển biến hóa còn không đồng đều, huống hồ những người cùng một ngày sinh làm sao mệnh vận lại giống nhau được.
Do đó sự tổ hợp thiên can địa chi trong năm, tháng, ngày, giờ sinh của mỗi người là nhân tố nội tại của mệnh vận tốt hay xấu, là căn cứ của sự biến hóa, nhân tố bên ngoài chỉ là điều kiện để biến hóa. Sự sắp xếp của thiên can địa chi, khí âm dương ngũ hành có mối quan hệ rất mật thiết với con người, đương nhiên chúng ta không phủ định sự nỗ lực chủ quan. Ví dụ trong tứ trụ có tiêu chí thông tin học đến đại học, nhưng không đọc sách, không nỗ lực học tập, chắc chắn là không tốt nghiệp đại học. Do đó muốn đạt được mục đích dự tính, ngoài nhân tố tiên thiên còn phải cộng thêm sự nỗ lực của hậu thiên.
Nguồn: TuviGLOBAL.com (Trích từ "Chu Dịch với Dự Đóan Học" của Thiệu Vĩ Hoa)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn