Đề án nhằm duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6%-3% trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5%-4,0% trong giai đoạn 2016-2020; đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020…
Quan điểm tái cơ cấu là phải vừa theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận…
Đề án nêu rõ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ được tiến hành trong 6 lĩnh vực cụ thể sau: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối, phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn.
Các giải pháp chính để triển khai tái cơ cấu gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch, rà soát, gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công; cải cách thể chế và tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách.
Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí, theo hướng dẫn tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện Đề án.
Uyển Như
Theo .baohaiquan.vn