Thứ nhất, quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Dự thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Thứ hai, mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp. Theo đó, thời hạn giao đất nông nghiệp được kéo dài đến 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay; cho phép các cá nhân, gia đình được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp gấp 10 lần so với hạn mức giao đất, thay vì chỉ là 2 lần theo luật hiện hành.
Thứ ba, hạn chế giao đất, chuyển cơ bản sang thuê đất. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng theo hướng hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất. Đồng thời, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Thứ tư, phát huy nguồn lực từ đất đai. Theo đó, Dự thảo Luật quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất; tạo quỹ đất "sạch" để đấu giá quyền sử dụng đất; quy định khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận...
Thứ năm, minh bạch trong quản lý sử dụng đất. Nhằm tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hình thành khung pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cho đa mục tiêu. Đồng thời, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
Thứ sáu, bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai. Theo đó, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, các trường hợp còn lại được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Thứ bảy, đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương. Theo đó, Dự thảo Luật quy định ghi cả họ, tên vợ và chồng vào giấy chứng nhận; có chính sách đối với đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội.
Hải Cường (tổng hợp)
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn