Với chủ trương “nội dung dễ làm trước, khó làm sau”, đến nay, xã Phong Thủy, xã điểm nông thôn mới của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới.
Người dân tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới
Nằm ở gần trung tâm huyện Lệ Thủy, có diện tích đất tự nhiên là 996 ha, 650 ha đất canh tác, kinh tế xã Phong Thủy chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ thương mại.
Đến nay trên địa bàn xã có 9 doanh nghiệp, 103 tổ hợp tác hoạt động . Trong nông nghiệp có 2 HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động có hiệu qủa với nguồn vốn trên 15 tỷ đồng, giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm cánh đồng mẫu lớn tại xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Năm 2012, xã đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,5%, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 39%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 29%, dịch vụ thương mại chiếm 32%. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 6.600 tấn, thu nhập bình quân đạt 21,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 4,56%.
Xác định nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xã Phong Thủy đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa năng suất lúa 2 vụ lên 11 tấn/ha/năm, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 5%. Xã đã tổ chức 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 80 ha, bước đầu khẳng định tính đúng đắn về mô hình và hiệu quả canh tác. Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ nông thôn như mộc, nề, cơ khí, xay xát, vận chuyển, chế biến nông sản, kinh doanh dịch vụ tổng hợp để giải quyết việc làm ổn định thường xuyên cho từ 1.500-1.600 lao động.
Kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới ở xã Phong Thuỷ trong 2 năm 2011-2012 |
Tuy là một xã nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng trong 2 năm qua, nhân dân xã Phong Thủy đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng trên tổng số 16 tỷ đồng để xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn mới.
Sau dồn điền đổi thửa, người dân xã Phong Thủy đã hiến 15ha đất, tương đương hơn 15 tỷ đồng để xã hình thành cánh đồng mẫu lớn; hiến 745m2 đất thổ cư để làm đường; tự nguyện phá bỏ hàng rào, vườn cây trong quy hoạch xây dựng; đóng góp công lao động trực tiếp... trị giá hàng tỷ đồng.
Để đạt được kết quả đó, trước hết là công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, nhận thức đúng về nông thôn mới, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc bàn bạc và quyến định các nội dung về xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, xã Phong Thủy đã triển khai một số mô hình sản xuất mới, như mô hình nuôi vịt siêu trứng, mô hình làm nón lá, mô hình đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu, mô hình làm nấm các loại, mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao … phát huy hiệu quả, từng bước nhân rộng giải quyết việc làm mùa vụ cho trên 300 lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Với việc đã đạt và vượt 14 tiêu chí, xã Phong Thủy đặt mục tiêu huy động tối đa mọi nguồn lực, để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành 5 tiêu chí còn lại vào năm 2013.
Không thực hiện chỉ tiêu bằng mọi giá
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Phong Thủy và huyện Lệ Thủy, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh mục đích của chuyến làm việc là kiểm tra, đánh giá mô hình, kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo Phó Thủ tướng, do đây là chương trình rất lớn, thời gian triển khai thực hiện còn ngắn, do vậy phải liên tục cập nhật, rút kinh nghiệm đặc biệt là về mô hình và phương thức tổ chức thực hiện.
Ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật của địa phương trong xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng địa phương đã tận dụng tốt những thuận lợi từ việc được chọn làm điểm, cùng với những cách làm sáng tạo đã thu được những kết quả tích cực.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nghe cán bộ địa phương báo cáo việc xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Phong Thủy. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
“Từ những kết quả ban đầu này, đã cho thấy có những mô hình mới. Chẳng hạn mô hình cánh đồng mẫu lớn, dù đang cho giai đoạn thí điểm nhưng cũng đã cho thấy có nhiều triển vọng, có thể nhân rộng được ở các xã, huyện trong tỉnh và một số tình miền Trung”, Phó Thủ tướng nói.
Cho rằng mục tiêu hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới cuối năm 2013 của xã là quyết tâm rất cao, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh không nhất thiết phải thực hiện mục tiêu này bằng mọi giá, trong khi nguồn lực của Trung ương, người dân còn có hạn.
“Không nên vì chỉ tiêu mà hoàn thành bằng mọi giá. Đây là vấn đề khó, cần làm đồng bộ, lâu dài ở cả bình diện quốc gia, tỉnh, huyện, xã. Trong triển khai thực hiện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải rất thực tế, không thể nóng vội nhằm sớm đạt chỉ tiêu”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Với cách tiếp cận trên, địa phương cần xác định sẽ không thể một lúc huy động được đầy đủ nguồn lực để thực hiện quy hoạch nông thôn mới, do vậy phải huy động bằng nhiều nguồn lực hiện có trên địa bàn, có ưu tiên thực hiện thay vì triển khai thực hiện đồng loạt nhiều công trình, nhiều tiêu chí.
Từ bài học thành công trong việc huy động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân. Theo Phó Thủ tướng, công tác tuyên truyền phải được thực hiện bền bỉ, lâu dài, thường xuyên, liên tục.
Nhấn mạnh việc phải thường xuyên rà soát, xem xét lại quy hoạch, ngay cả khi đã được phê duyệt vì đây là công việc rất quan trọng, đặc biệt là quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch sản xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu quy hoạch phải xuất phát từ đặc điểm tình hình ở địa phương, xã phải đưa ra được những yêu cầu cụ thể, người dân phải được góp ý đối với quy hoạch.
Xuân Tuyến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn