Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty Bầu Đức
Trong BCTC soát xét bán niên hợp nhất bán niên 2018 đã được soát xét của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), công ty kiểm toán đã đặt ra nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty Bầu Đức khi tính đến hết quý II.2018, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn tới 5.428 tỷ đồng. Đồng thời, cũng lưu ý khả năng thu hồi nợ của nhóm công ty An Phú.
Lợi nhuận của HAGL trong thời gian qua liên tục giảm sút (Ảnh: I.T)
Cũng theo BCTC, doanh thu thuần HAGL nửa đầu năm 2018 đạt gần 2,915 tỷ đồng, giảm nhẹ so với báo cáo tự lập, trong khi đó giá vốn lại tăng cao hơn, lên mức 1,486 tỷ đồng. Lãi gộp HAG đạt 1,428 tỷ đồng, giảm 24 tỷ so với trước soát xét.
Doanh thu tài chính không thay đổi nhiều nhưng chi phí tăng lên gần 40 tỷ đồng. Một vài khoản mục chi phí khác của HAGL giảm nhẹ sau soát xét như chi phí quản lý, chi phí bán hàng và cả khoản lỗ khác cũng giảm. Kết quả cuối cùng, HAGL vẫn lỗ ròng gần 35 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng so với con số lỗ 11 tỷ đồng trước kiểm toán. Sau đó, HAGL đã có những giải trình phản hồi.
Liên quan đến việc kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khả năng thu hồi của tổng các khoản phải thu từ các bên liên quan với số tiền 5.601 tỷ đồng.
HAGL cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi với khối tài sản đa dạng, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho Tập đoàn.
Tập đoàn tin rằng khi các dự án kinh doanh của các bên liên quan này đi vào vận hành thương mại và có lợi nhuận thì việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu sẽ trở nên dễ dàng hơn và kiểm toán viên sẽ có đủ thông tin để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn bộ.
Đối với ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán viên về các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn, dựa trên yếu tố nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 5.429 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản trái phiếu.
HAGL nhấn mạnh, trong 5.429 tỷ đồng chênh lệch nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn, có khoản nợ phải trả ngắn hạn khác đối với Ô tô Trường Hải (Thaco, THA) thông qua cá nhân ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) với số tiền là 1.557,5 tỷ đồng, đây là khoản tiền mượn tạm và đã được hoàn trả trong tháng 8.2018 từ nguồn trái phiếu chuyển đổi. Theo thỏa thuận Đầu tư và Hợp tác toàn diện thì trái chủ là Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương cam kết sẽ chuyển đổi gói trái phiếu này thành vốn vào ngày đáo hạn là ngày 3.8.2019.
Mặt khác, số chênh lệch còn lại sẽ được nhóm Công ty dùng nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh để bổ sung.
Mảng cây ăn trái: Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ hoạt động kinh doanh trái cây đạt 1.871 tỷ đồng. Tập đoàn đang tiếp tục đẩy mạnh khai thác những loại cây đến tuổi thu hoạch, đem lại doanh thu cao như thanh long, chuối. Trong những năm sắp tới, những loại cây có giá trị kinh tế cao như xoài, bơ, sầu riêng... đến tuổi khai thác sẽ đem lại cho Tập đoàn nguồn thu tăng mạnh.
Mảng cao su: Tập đoàn tiếp tục chăm sóc đợi đến khi giá cao su khả quan sẽ khai thác. Tại thời điểm 30.6.2018, Tập đoàn đã trồng được 49.916 ha cao su, trong đó đã khai thác là 20.129 ha. Dự kiến, trong những năm sắp tới, khi diện tích cao su đến tuổi khai thác được đưa vào thu hoạch ngày càng nhiều, Tập đoàn sẽ có nguồn thu lớn từ hoạt động kinh doanh này.
Còn đối với vấn đề Tập đoàn đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu tại các ngân hàng (VPBank, BIDV…).
HAGL cho biết, tại thời điểm lập BCTC bán niên 2018 được soát xét, Tập đoàn đã được một số ngân hàng xác nhận không thu nợ trước hạn đối với các khoản vay bị vi phạm và vẫn tiếp tục làm việc với các ngân hàng còn lại về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và tài sản thế chấp có liên quan.
Bên cạnh đó, ngày 3.8.2018, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty để đầu tư vào mảng nông nghiệp và bất động sản. Thaco cam kết sẽ thu xếp cơ cấu lại các khoản nợ vay (khoảng 14.000 tỷ đồng); huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có; phát triển và mở rộng diện tích trồng cây ăn trái (dự kiến trong hai năm 2019 và 2020 sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái lên 30.000 ha với các loại cây như chuối, thanh long, bưởi da xanh.); đầu tư trồng 5.000 ha cây dược liệu phục vụ chiết xuất và chế biến nguyên liệu cung ứng cho các công ty dược liệu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng và thức uống; và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án Myanmar.
Ngoài ra, vào ngày 16.8.2018, cổ đông của Công ty đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ (phát hành 185 triệu cổ phiếu, giá 7.200 đồng/cổ phiếu) năm 2018 của Công ty.
Nếu phương án phát hành thành công sẽ đem lại cho Công ty nguồn tiền lớn trong tương lai giúp Công ty cơ cấu lại tài chính, giảm nợ vay, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, giảm bớt rủi ro tài chính của Công ty.
Với những luận điểm trên, HAGL của Bầu Đức tin rằng Tập đoàn sẽ vượt qua được khó khăn và tiếp tục lập BCTC hợp nhất bán niên 2018 đã được soát xét trên cơ sở hoạt động liên tục.
Loay hoay với “bom nợ” tỷ USD
Năm 2013 có thể coi là dấu mốc quan trọng đối với Hoàng Anh Gia Lai bởi tại ĐHĐCĐ năm đó, HĐQT của công ty Bầu Đức đã đi đến quyết định, sau đó được cổ đông thông qua là chính thức cắt giảm tỷ trọng doanh thu bất động sản từ 64% (2012) xuống còn 14%. Đồng thời, định hướng chuyển mình vào nông nghiệp qua việc tập trung khai thác mủ cao su vào khoảng 7.000 ha, trồng mới 7.000 ha và kế hoạch trồng thêm 4.470 ha cây mía, đầu tư nhà máy sản xuất vi sinh công suất 50.000 tấn/năm.
Cơ cấu các khoản nợ của HAGL giai đoạn 2013-2018 (Ảnh: I.T)
Kế hoạch chuyển hướng làm nông nghiệp của HAGL sau đó không chỉ có cao su, mía đường, cọ dầu, bắp… mà còn cả nuôi bò từ năm 2014. Nhìn vào kết quả kinh doanh của HAGL năm 2013 và 2014, dễ dàng nhận thấy việc chuyển đổi của Tập đoàn từ BĐS sang nông nghiệp đi kèm với khối nợ tăng dần qua từng năm.
Nếu chi phí lãi vay lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của HAGL thì con số nợ gốc phải trả lại khiến bầu Đức và các cổ đông của Tập đoàn lo ngại hơn thế nhiều lần.
Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ vay của HAGL ở mức hơn 18.000 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn 6.839 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi, nợ dài hạn chỉ tăng nhẹ quanh mức 11.337 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2015, con số nợ của HAG lên đến hơn 27.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.200 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Năm 2016, tình hình kinh doanh tiếp tục xấu đi khi HAGL ghi nhận khoản lỗ hơn 1.136 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất từ khi thành lập, trong hoàn cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền. Năm 2017, HAGL dù có lãi nhẹ trở lại nhưng hoạt động kinh doanh vẫn ở mức cầm chừng.
HAGL đã buộc phải bán đi một trong những mảng kinh doanh hiệu quả nhất lúc bấy giờ là mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công, chuyển nhượng nhiều dự án thủy điện, bất động sản cho các doanh nghiệp khác.
Tổng nợ của HAGL đã lên tới hơn 23.000 tỷ đồng
Tuy nhiên, những thương vụ nêu trên cũng chưa thể giúp HAGL thoát khỏi vòng xoáy nợ nần. Đến cuối năm 2017, Bầu Đức cũng buộc phải bán ra 23 triệu cổ phiếu HAG để hỗ trợ HAGL tái cơ cấu các khoản vay.
Doanh nghiệp Bầu Đức hiện đã cầm cố gần như tất cả các tài sản của tập đoàn, từ nhà đất bất động sản, vườn cây, trụ sở, các tài sản thành từ vốn vay dự án nuôi bò, các vườn cao su tại Lào, Văn phòng làm việc Hội sở chính HAGL, tổng tài sản hình thành trong tương lai từ dự án Trung tâm thương mại HAGL tại Myanmar… và hàng cả cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn