Mặc dù 7 giờ 30 hội thi mới chính thức khai mạc, nhưng từ 6 giờ sáng, các đội đã có mặt đông đủ tại hội trường Thành ủy TP.Hồ Chí Minh - nơi diễn ra hội thi để ôn lại kiến thức, làm quen với sân khấu… Chung cuộc, 4 đội Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh đã lọt vào vòng chung kết một cách thuyết phục.
Hai đội TP.HCM và Vĩnh Phúc nhận giải nhất vòng thi bán kết. |
Chúc mừng nhé!
Từ sáng sớm ngày 12. 10, ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã gọi điện vào chúc đội Hà Tĩnh cố gắng thi tốt để có mặt ở vòng chung kết. Chưa hết, khi biết đội được điểm tuyệt đối phần “tài năng”, ông Sơn nhắn tin “Chúc mừng nhé!”. Lời chúc của Phó Chủ tịch tỉnh đã tiếp thêm sức mạnh để đội chính thức là 1 trong 4 đội lọt vào chung kết. Ấn tượng nhất vòng bán kết là phần thi “Lời chào nông dân và tài năng nông dân”. Thông điệp các đội mang đến hội thi qua phần thi này là “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Kết quả chung cuộc
TP. HCM: 689 điểm
Vĩnh Phúc 687,5 điểm
Khánh Hòa 679 điểm
Hà Tĩnh 670 điểm
“Lời chào và tài năng nông dân” của Đăk Nông được tất cả 7 thành viên Ban Giám khảo cho điểm 10. Đăk Nông làm nóng hội trường khi đem “voi” xuống phố. “Hôm nay các anh đi đâu mà ăn mặc đẹp, lại còn đem voi vậy?”, “Chúng tao đi xuống Sài Gòn dự Nhà nông đua tài”, “Mày đem voi về TP.HCM không sợ bị Công an phạt à?”, “Không, tao cho voi đi lề phải, có giấy phép của kiểm lâm nên không sợ phạt đâu”. Chỉ vài câu đối đáp như vậy đội đã truyền thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã, đi đường đúng Luật Giao thông… làm Ban Giám khảo và các cổ động viên hài lòng.
Không kém cạnh, mở màn phần “Tài năng nông dân”, đội Hà Tĩnh đem đến thông điệp “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới” với 5 chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn; Nghị quyết số 26 (Hội nghị T.Ư 7 khóa X), Kết luận 61 của Ban Bí thư T.Ư, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ… và 6 chương trình hoạt động lớn của Hội ND tỉnh. Nội dung tiểu phẩm là câu chuyện một gia đình ba thế hệ than thở chuyện một hạt thóc phải gánh quá nhiều khoản phí.
Lời ca tiếng hát “Lúa vàng báu vật của nhà nông, thấm bao giọt mồ hôi, bao đời nhà nông ta đổ mồ hôi… Hạt lúa vàng đã đi cùng lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Vậy mà thương lái ép giá, gạo chưa có thương hiệu, sản xuất ra nhiều mà không bán được” là những lời than thở của ông bà, cha mẹ. Người con hứa sau khi con học xong thành tài sẽ đem kiến thức về tri ân nhà nông, xây dựng nông thôn mới phát triển, làm cho hạt gạo quê nhà tỏa sáng. Kết quả, cả 7 giám khảo cùng cho điểm tuyệt đối 32/32 điểm cho phần thi này.
Đội Vĩnh Phúc “không đụng hàng” khi đưa đến hội thi thông điệp “Hãy bảo vệ con trẻ ngay từ mái ấm gia đình”. Đây là một chương trình đã được Trung ương Hội NDVN ký với Bộ Công an. Qua đó, đội Vĩnh Phúc nhắn nhủ vai trò của Hội ND trong việc kêu gọi với các hội viên, nông dân hãy quan tâm, chăm sóc, giáo dục con em mình...
Đuổi nhau từng 0,5 điểm
“Ai giỏi hơn” là phần thi cuối cùng kiểm tra kiến thức của các thí sinh trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là phần thi quan trọng nhất, quyết định đội nào được vào chung kết. Ở bảng B, cả 4 đội Đăk Nông, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Hậu Giang đều trả lời đúng hết cả 8 câu, ngang tài ngang sức. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh nhờ 2 đội này hơn điểm ở những phần thi trước.
Ở bảng A, 4 đội Hà Tĩnh, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc bước vào phần thi cuối cùng cũng đầy khí thế. 3 câu đầu tiên, cả 4 đội đều trả lời đúng. Chỉ đến câu thứ 4 trở đi, các đội bắt đầu rượt đuổi nhau tới từng 0,5 điểm. Tới câu 8, cũng là câu cuối cùng về quyền của người nuôi trồng thủy sản nhưng cả 3 đội đều nhầm thành nghĩa vụ nên trả lời sai, chỉ duy nhất đội Vĩnh Phúc trả lời đúng nên bứt phá lên nhất bảng A một cách ngoạn mục để bước vào chung kết.
Nhiều “kỷ lục Guinness” vòng bán kết
Đội có lực lượng hùng hậu nhất: Với 10 thí sinh chính thức và 12 thành viên đội múa phụ họa, đội TP.HCM là đơn vị có số lượng thí sinh xuất hiện trên sân khấu hùng hậu nhất.
Đội nhiều đạo cụ nhất: Với gần 10 loại đạo cụ đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên như voi, nhà mồ, nhà ở, sập gụ, tủ chè, gùi, cồng chiêng cây nêu, mô hình ti vi, đầu máy… Đăk Nông là đội mang theo nhiều đạo cụ nhất.
Đội có nhiều đại diện các dân tộc thiểu số nhất: Đó là đội Yên Bái với các thí sinh là người các dân tộc Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng…
Thí sinh dự thi nhiều nhất: Thí sinh Trần Thị Hiếu ở đội tuyển Khánh Hòa tham gia cả 2 Hội thi lần thứ II và III.
Đội “du hí” nhiều nhất: Trước khi đến TP. Hồ Chí Minh, các thí sinh đội Yên Bái đã được tham quan nhiều địa danh nổi tiếng dọc tuyến Bắc – Nam như Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), phố cổ Hội An (Quảng Nam), Mũi Né (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng).
Thí sinh nhỏ tuổi nhất: Đó là thí sinh Nguyễn Hồng Hạnh (đội Vĩnh Phúc) sinh năm 1992.
Thí sinh lớn tuổi nhất: Đó là thí sinh Phạm Đăng Bảo, đội TP. Hồ Chí Minh, sinh năm 1952.
Cổ động viên nhỏ tuổi nhất: Đó là bé Lê Mỹ Lan, sinh năm 2009, đi cổ vũ cho đội TP. Hồ Chí Minh.
Thuận Hải
“Voi Đăk Nông” đắt hàng
Dù chỉ là mô hình làm bằng ván ép nhưng chú voi khổng lồ của đội Đăk Nông được thí sinh các đội bạn rất yêu thích. Sau khi giúp chủ nhân diễn màn “Lời chào nhà nông” được cả 7 giám khảo cho điểm 10 tuyệt đối, chú voi được “dắt” ra hậu trường. Tại đây, các thí sinh chen nhau chụp hình với voi để làm kỷ niệm.
Không biết lấy nước tắm ở đâu
Được Ban tổ chức sắp xếp nghỉ ngơi tại một khách sạn 5 sao của TP.Hồ Chí Minh, lần đầu tiên các thí sinh đội Yên Bái được sử dụng các tiện nghi sang trọng của khách sạn, nhiều người tỏ ra bối rối. “Lần nào ra khỏi phòng rồi mà muốn mở cửa để vào lại là tôi phải nhờ tới hướng dẫn viên của khách sạn. Ở quê tắm ngoài suối quen rồi, ở đây tắm trong cái bồn, chị em không biết phải lấy nước ở đâu hết!” - thí sinh Lê Kim Hoa kể.
Thưởng nóng 10 triệu đồng
Ngay sau phần thi “Tài năng nông dân” của đội Hà Tĩnh đạt số điểm tuyệt đối của Ban Giám khảo, ông Ban Xuân Biên - Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM đã thay mặt Hội trao 10 triệu đồng thưởng “nóng” cho các thí sinh.
Tranh thủ đọc báo NTNN
Sau khi hoàn thành phần thi “Lời chào nông dân”, trong thời gian chờ đến lượt thi phần tiếp theo, anh Nguyễn Văn Hưng - đội trưởng đội Thái Nguyên tranh thủ ra hành lang đọc báo Nông Thôn Ngày Nay mà Ban tổ chức tặng. Anh bảo, Chi hội ND xóm Tân Hưng, xã Đồng Bẩm, TP.Thái Nguyên ngày nào cũng có báo Nông Thôn Ngay Nay. Anh chỉ lo vào TP.Hồ Chí Minh không có báo đọc hàng ngày.
Lập bàn thờ cúng Giàng cầu may
Ngay từ sáng sớm vòng thi bán kết, bên hông sân khấu chính cuộc thi, các thí sinh đội Đăk Nông lập bàn thờ, bày biện bánh trái, nhang đèn để làm lễ cầu Giàng (trời). Anh Ma Khăn - một thí sinh của đội cho biết, phong tục của người dân tộc Mơ Nông, trước khi làm việc gì mọi người đều làm lễ tạ ơn Giàng và cầu xin phù hộ để công việc thuận lợi. Đội lập cây nêu để cúng Giàng theo phong tục, cầu cho đội sẽ thi thật tốt.
Trang Anh - Thuận Hải
Trọng Mạnh
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn