Sau gần 5 năm nỗ lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đích đến của địa phương này là nâng tầm NTM lên cao hơn, đó là nông thông tiên tiến (NTTT).
Việc xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh bắt đầu trong bối cảnh nông nghiệp phát triển không ổn định, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp bị thay đổi do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh. Kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn mặc dù đã được chú trọng đầu tư song chưa đồng bộ, thiếu tính chiến lược…
Bối cảnh khó khăn này đặt nhiệm vụ cho xây dựng NTM là phải hoạch định chiến lược, kế hoạch thực hiện, mục tiêu phấn đấu rất cụ thể để có thể khắc phục được tất cả những hạn chế trên, để nông thôn Quảng Ninh chính là nền tảng, là điểm tựa vững chắc cho tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và dần tiến tới tỉnh dịch vụ - công nghiệp.
Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của quá trình phát triển, 82/125 xã sẽ cơ bản đạt tiêu chí xã NTM với sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng, sự phát triển mạnh mẽ của SX, thu nhập của người nông dân gấp 1,5-2 lần năm 2010 của khu vực nông thôn. Do đó, Nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIII là nghị quyết về xây dựng NTM. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cơ quan tham mưu chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh là Ban Xây dựng NTM, theo mô hình này triển khai ở cấp huyện và cấp xã.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, qua thực tế đã chứng minh mô hình bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình từ tỉnh đến các xã phù hợp với thực tiễn địa phương cũng như cả nước. Đây là mô hình được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá cao và đánh giá Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc và dẫn đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng NTM. Theo thống kê của Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh, 30.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho xây dựng NTM trong hơn 4 năm qua.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên quyết định hỗ trợ lãi suất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và cũng là tỉnh duy nhất có quy định hỗ trợ vật liệu xây dựng đầu tư một số công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015, có quy chế khen thưởng phong trào thi đua xây dựng “Xã NTM - Phường, thị trấn văn hoá”. Và cũng lần đầu tiên thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) theo mô hình quốc tế, có hệ thống tổ chức và mô hình đồng bộ. Những kết quả ban đầu mới chỉ giải quyết được các nhu cầu thiết yếu về cơ sở hạ tầng, chưa có sự thay đổi mạnh mẽ về SX, kinh doanh và đời sống.
Với ý tưởng đem đến một cách tiếp cận mới, trên cơ sở phát triển SXNN công nghệ cao gắn kết với phát triển dịch vụ, du lịch, khoa học, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đưa cuộc sống của cư dân nông thôn tiệm cận với cuộc sống đô thị nhưng vẫn kế thừa bản sắc văn hoá truyền thống, tỉnh quyết định xây dựng điểm mô hình NTTT tại 3 xã Việt Dân, Bình Khê và An Sinh của huyện Đông Triều. Để có thể xây dựng thành công mô hình này, tỉnh đã hợp tác với Tập đoàn My Way, một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, điều hành quản lý nhà hàng, khách sạn và giải trí. Ngay sau khi được chỉ định tham gia, Tập đoàn My Way đã thành lập một đơn vị chuyên trách mang tên “Cty CP phát triển nông thôn tiên tiến” để triển khai dự án này. Đồng thời Cty đã tài trợ cho dự án 15 tỷ đồng, trong đó dành 10 tỷ đồng cho việc thuê các chuyên gia của Israel thực hiện quy hoạch lại các khu dân cư, hạ tầng du lịch và đặc biệt là quy hoạch SX công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Israel. Còn lại 5 tỷ đồng sẽ tài trợ cho 3 xã chỉnh trang lại đường làng ngõ xóm, tạo cảnh quan sạch đẹp văn minh. Có thể khẳng định, đây là mô hình tiếp nối của Chương trình xây dựng NTM, vì cơ bản vẫn dựa trên Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nhưng có bổ sung, nâng cấp một số tiêu chí cao hơn, đây là bước cao hơn về chất của NTM.
Theo nongnghiep.vn