Ông Bùi Văn Thịnh |
Thưa ông, việc xây dựng NTM ở Lục Yên đã gặp những trở ngại gì?
Lục Yên là huyện miền núi, có 23 xã quy hoạch xây dựng NTM. Do đặc thù của huyện miền núi là kinh tế nông nghiệp chậm phát triển, dân cư sống không tập trung, đường sá đi lại khó khăn, nhiều hủ tục tập quán lạc hậu còn tồn tại... Để các xã xây dựng NTM đạt 19 tiêu chí đã đề ra, đó chính là những trở ngại lớn nhất mà Lục Yên phải vượt qua.
Không chỉ tỉnh Yên Bái, các tỉnh miền núi phía Bắc đều có những khó khăn chung như vậy, Lục Yên đã chọn khâu đột phá nào cho việc xây dựng NTM?
Do xuất phát điểm kinh tế Lục Yên còn thấp, trong 23 xã sau khi rà soát chỉ có 5 xã đạt 6/19 tiêu chí, các xã còn lại chỉ đạt từ 3 đến 5 tiêu chí. Đưa ra các con số đó để hình dung ra việc xây dựng NTM ở huyện Lục Yên khó khăn như thế nào. Vì thế, sau khi khảo sát, quy hoạch các xã NTM, chúng tôi thấy xây dựng đường giao thông nông thôn không chỉ là nguyện vọng của người dân mà chúng tôi coi đây là khâu đột phá trong việc xây dựng NTM ở Lục Yên.
Với sự đồng thuận của người dân thì chính quyền có chủ quan khi triển khai chương trình này, nhất là khi một số gia đình phải hy sinh ruộng, vườn và các công trình kiến trúc khi mở đường qua?
Điều này chúng tôi đã lường trước, ngay từ khi bắt tay vào làm, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp để phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới từng hộ dân, tuyên truyền để người dân hiểu: Làm đường giao thông nông thôn là phục vụ chính cuộc sống người dân. Với công thức 4+6, dân đóng góp 4 phần chủ yếu bằng công lao động, Nhà nước hỗ trợ 6 phần chủ yếu là xi măng, cát, sỏi...
Xây dựng đường giao thông nông thôn không có đền bù, nếu thôn, bản nào làm được thì đăng ký. Tất cả mọi khoản thu chi đều công khai, minh bạch. Sau khi đã nhận thức được lợi ích của việc xây dựng giao thông nông thôn có sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ gia đình ở tất cả các xã đều tự nguyện hiến đất để làm đường. Hàng chục ngàn mét vuông đất ruộng, vườn cùng nhiều công trình kiến trúc khác được bà con tự nguyện tháo dỡ để làm đường.
Như đã trình bày ở trên, do xuất phát điểm của kinh tế huyện Lục Yên thấp nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực của người dân và ủng hộ của các ngành, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Huyện đã tổ chức lễ phát động phong trào xây dựng NTM tổ chức tại xã Lâm Thượng với sự tham gia của 1.000 thanh niên, cán bộ, chiến sĩ trong toàn huyện và các doanh nghiệp nhằm xã hội hóa việc làm này. Các doanh nghiệp sử dụng máy móc giúp nhân dân mở rộng đường, lu lèn mặt đường. Từ đó đã tạo thành một phong trào rộng khắp, người dân thấy việc xây dựng NTM là việc làm của chính mình, tất cả mọi người đều chung tay xây dựng. Đến nay huyện Lục Yên đã cơ bản hoàn thành kế hoạch làm mới 22.802 m đường giao thông nông thôn, hoàn thành việc giải phóng mặt bằng các tuyến đường dự kiến xây dựng năm 2013.
Thưa ông, bài học lớn nhất của việc xây dựng đường giao thông nông thôn ở huyện Lục Yên là gì?
Chúng tôi chưa tổng kết phong trào này, nhưng với tư cách cá nhân tôi thấy đây là chính sách đáp ứng được sự mong đợi của người dân, từ đó nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người dân cộng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương cũng như sự ủng hộ của các cấp, các ngành. Như Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Xây dựng đường giao thông nông thôn cũng như đặt viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng NTM, đây chính là bước đột phá đầu tiên mà huyện Lục Yên đã lựa chọn.
Xin cảm ơn ông!
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn