Nhiều vùng nông thôn của ngoại thành Hà Nội đã “thay da đổi thịt” sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Thiện Tâm |
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn-Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới cho biết, Hà Nội hiện có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Đồng thời có 356/386 xã (chiếm 92,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra và có 11 xã được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Sơn Tây hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt 51,5 triệu đồng/ người/năm. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,69%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Quốc Oai (0,22%), Hoài Đức 0,55%, Đan Phượng 0,14%…Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 98,6%.
100% số xã kết nối internet; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ…
UBND Thành phố đã ban hành Quyết định về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực sản xuất, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, an ninh trật tự, y tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020; về Kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố Hà Nội đến năm 2020; thành lập Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm (OCOP) cấp thành phố Hà Nội đến năm 2020; ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm (OCOP) cấp thành phố Hà Nội đến năm 2020.
Tổ chức đánh giá, phân hạng được 301 sản phẩm OCOCP. Trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, 207 sản phẩm đạt 4 sao và 88 sản phẩm đạt 3 sao.
Về phát triển nông nghiệp, năm 2019, là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016 – 2020), Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).
Có thể thấy ngành nông nghiệp Thủ đô trong năm 2019 tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn, cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong năm qua, ngành nông nghiệp cùng với các ngành kinh tế nói chung phát triển trong bối cảnh thuận lợi đan xen nhiều yếu tố bất thuận do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, tốc độ nhanh, đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
Theo số liệu của Cục Thống kê, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản Hà Nội năm 2019 ước giảm 0,54% so với năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nên sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm sút mạnh đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của ngành. Điểm nổi bật là chăn nuôi gia cầm và thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá. So với năm 2018, sản lượng thịt gia cầm tăng 21,6%; sản lượng thủy sản tăng 6,3%.
Phấn đấu thêm 7 huyện về đích Nông thôn mới
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng theo ông Nguyễn Văn Chí, hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn chưa đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là ở vùng xa trung tâm. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn ở một số nơi còn hạn chế.
Công tác môi trường tại một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình còn chưa tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội (Chương trình OCOP).
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Thiện Tâm |
Vì vậy, bước sang năm 2020, để đạt được mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Chí cho biết, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín, Sóc Sơn, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên hoàn thiện các nội dung để trình công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2020. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới năm 2020 từ Thành phố tới cơ sở. Đồng thời đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai Kế hoạch năm 2020 thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020”. Tổng hợp hồ sơ sản phẩm OCOP trình Hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng khoảng 700 sản phẩm OCOP năm 2020.
Thực hiện Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Trong đó triển khai thực hiện tổ chức 6 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền; trình diễn văn hóa ẩm thực tại các tuyến phố đi bộ của thành phố Hà Nội.
Xây dựng điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại Phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), xã Đường Lâm (TX Sơn Tây).
Lập Đề án xây dựng “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch sinh thái của Quốc gia tại Thủ đô Hà Nội”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn