Mô hình “Vận động nhân dân tham gia phát triển du lịch” tại phường Ba Láng đang phát huy hiệu quả.
Thành công nhờ làm tốt công tác tuyên truyền
Rảo bước trên tuyến đường nông thôn của phường Ba Láng, quận Cái Răng, lâu lâu lại bắt gặp một tốp khách du lịch nước ngoài đạp xe trải nghiệm thực địa. Nhiều năm qua xác định là địa phương có nhiều thuận lợi về phát triển du lịch, lại được sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ, phường Ba Láng đã tổ chức vận động nhân dân khu vực 3, 4 thành lập mô hình “Vận động nhân dân tham gia liên kết phát triển du lịch; xây dựng tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp”, được người dân rất đồng tình, hưởng ứng.
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ba Láng, quận Cái Răng cho biết: Nhờ mô hình trên, hoạt động kinh doanh du lịch của địa phương dần phát huy, khách du lịch trải nghiệm tại đây ngày một nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt khách, cao điểm lên đến hơn 500 lượt khách đến tham quan. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân trong phường. Năm 2016, phường Ba Láng có đến 107 hộ nghèo, đến nay số hộ nghèo đã giảm hơn 50%, chỉ còn 52 hộ.
Ông Toàn cho biết thêm, mô hình này đã được Ủy ban MTTQ thành phố chọn là 1 trong 87 điển hình xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nói về công tác vận động nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Lương Phát Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cờ Đỏ chia sẻ: Ban đầu vận động cũng gặp nhiều khó khăn. Bà con còn e ngại về quyền lợi và có nguyện vọng được bồi thường đất đai, hoa màu. Tuy nhiên, khi MTTQ huyện phối hợp với Hội Nông dân cùng các tổ chức đoàn thể kiên trì tuyên truyền, vận động bà con và họ đã hiểu, đồng tình ủng hộ.
2 năm qua đã có hàng ngàn km đường giao thông nông thôn và cầu được cộng đồng dân cư tham gia thực hiện như: Ủy ban MTTQ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ vận động nhân dân làm tuyến lộ B6 hơn 2.900m; Hội Cựu chiến binh xã Giai Xuân, huyện Phong Điền vận động làm đường, làm bờ bao dài 2.500m tại ấp Thới An A; Hội Nông dân xã Giai Xuân, huyện Phong Điền vận động 200 triệu đồng xây dựng cầu nông thôn tại ấp Ba Cao...
Nhân rộng những mô hình điểm
Cũng trong gần 2 năm qua, 5 nội dung của Cuộc vận động được diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong các khu dân cư. Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ cho biết: Khi bắt đầu phát động cuộc vận động, chúng tôi đã quán triệt, triển khai rộng trong hệ thống Mặt trận. Cần Thơ đã chọn 107 điểm chỉ đạo với 148 mô hình; các đoàn thể chính trị-xã hội và thành viên của MTTQ thành phố đã xây dựng 195 mô hình, phần việc để thực hiện cuộc vận động này; đặc biệt là có sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong việc xây dựng 31 mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian tới từ mô hình điểm chúng tôi sẽ nhân rộng ra toàn thành phố.
Trong năm 2017 thành phố Cần Thơ đã có 24/36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện được công nhận huyện nông thôn mới (Phong Điền). Năm 2017, có trên 269.800 hộ đăng ký gia đình văn hóa, số hộ được xét công nhận và tái công nhận gia đình văn hóa là 254.991 hộ (đạt tỷ lệ 94,47%); 68/85 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn hóa;…
Sau 2 năm thực hiện, phong trào Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng, đã xây dựng 36 mô hình về công tác giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn thành phố đầu năm 2017 là 3,75% (theo tiêu chí mới), phấn đấu đến cuối năm tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,75%.
Công tác chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách cũng được các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức thành viên quan tâm phối hợp thực hiện. Chỉ tính trong năm 2017, quỹ Vì người nghèo 3 cấp trong thành phố vận động được trên 34.3 tỉ đồng; xây dựng và sửa chữa 637 căn nhà Đại đoàn kết, tổng trị giá trên 20 tỉ đồng. Ngoài ra, quỹ Cứu trợ thiên tai trong năm 2017 vận động đạt gần 5 tỷ đồng, ủng hộ cứu trợ đồng bào Miền Trung và các tỉnh phía Bắc bị lũ lụt và thiên tai trên 3,6 tỉ đồng.
Nhận định về hiệu quả bước đầu qua 2 năm thực hiện cuộc vận động bà Phan Thị Hồng Nhung cho biết: Nếu như năm 2016 chúng tôi tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền trên diện rộng để người dân nắm và đăng ký thực hiện thì đến năm 2017 chúng tôi đi vào chiều sâu, triển khai cho hệ thống Mặt trận thực hiện các nội dung của cuộc vận động.
“Bước đầu, đã thành lập được 27 hợp tác xã và nhiều mô hình về phát triển kinh tế, có 4/7 xã nông thôn mới đã ra mắt, các KDC đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, KDC đảm bảo môi trường…Đây là những kết quả bước đầu của 481 điển hình, chúng tôi đã chọn ra 87 điển hình để tuyên dương khen thưởng trong dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập MTTQ Việt Nam. Đây chính là động lực thúc đẩy thực hiện cuộc vận động này trong thời gian tới”- Bà Nhung chia sẻ.
Q.Trung - T.Quang/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn