Công ty Điện lực Điện Biên đang láp công tơ điện cho các hộ dân vùng sâu vùng xa (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị tổng kết 15 năm chương trình Điện khí hóa nông thôn do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25-4, tại Hà Nội.
Trong tổng số vốn trên, riêng nguồn vốn ODA giai đoạn 2013-2015 để đầu tư cấp điện cho các thôn bản đặc biệt cấp bách sẽ cần 1.578 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo từ 2016-2020 là 1.481 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc đầu tư cấp điện mới cho các xã chưa có điện cũng như đầu tư cấp điện cho các thôn bản từ lưới điện quốc gia cũng cần thêm ít nhất 27.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với ngành điện khi giá điện để thu hút đầu tư còn khá thấp.
Trước đó, để thực hiện chương trình Điện khí hóa nông thôn, trong giai đoạn 1998-2013, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động khoảng 50.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn vay để đầu tư vào lưới điện nông thôn trên địa bàn 62 tỉnh, thành (trừ Thành phố Hồ Chí Minh). Trong số này, riêng vốn vay ODA của các Tổ chức quốc tế là hơn 2,5 tỷ USD; qua đó nâng tỷ lệ số xã, hộ dân có điện lưới cuối năm 2013 lên 9.002/9.086 xã có điện lưới (chiếm tỷ lệ 99,1%) và 16,225/16,620 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới đạt khoảng 97%.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trên toàn quốc vẫn còn 91 số xã chưa được nối điện quốc gia (chiếm khoảng 3%), trong đó có 57 "xã trắng" về điện, tức là chưa có điện kéo đến trung tâm xã, tương đương khoảng 550.000 hộ gia đình chưa được tiếp cận với điện. Ngoài ra, còn khoảng 750.000 hộ dân vùng sâu, vùng xa đang phải sử dụng điện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng điện quá kém không đáp ứng được cho việc sử dụng các thiết bị điện.
Tuy nhiên, việc đầu tư cho một xã nhằm đạt tiêu chí Nông thôn mới về điện, nhà nước phải đầu tư trung bình từ 5 đến 10 tỷ đồng. Ðối với địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, con số này còn cao hơn nhiều. Thậm chí, cá biệt có địa bàn vùng xa, dân cư sống không tập trung, nếu đầu tư lưới điện hoàn chỉnh thì suất đầu tư cho một hộ có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, hiện EVN đã tiếp nhận, quản lý bán điện trực tiếp tới 8/12 huyện đảo, mỗi năm bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho các huyện đảo sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ, có giá thành điện rất cao.
Do chi phí đầu tư quá lớn khi thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, trong lúc nguồn vốn của EVN rất hạn hẹp và gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, nên đến thời điểm này, tại 1.680 xã, với 3.105.528 hộ dân nông thôn trong cả nước vẫn do các đơn vị và Hợp tác xã quản lý điện nông thôn khác quản lý bán điện.
Nhiều xã thuộc Dự án RE II (dự án điện nông thôn 2 vay vốn ngân hàng thế giới WB) vẫn chưa kết thúc đầu tư, đến thời điểm này vẫn còn gần 130 xã không đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ điện đến hộ dân dùng điện, nhưng các đơn vị đó chưa chấp nhận bàn giao cho ngành điện.
Do vậy, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mục tiêu điện khí hóa nông thôn vào năm 2020 chỉ đạt được khi có sự chung tay nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp và người dân; sự huy động và kết hợp nhiều nguồn lực, trong quá trình lập các dự án để đầu tư cần có sự tính toán phù hợp để có sức thuyết phục các nhà tài trợ nước ngoài tham gia.
Cũng tại hội nghị, với tư cách là một nhà tài trợ, bà Victorria Kwakwa,-Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho biết, từ năm 1995 đến nay, WB đã cho Việt Nam vay khoảng 4 tỷ USD để phát triển lưới điện, truyền tải và cung cấp 800 triệu USD cho các lưới điện hạ áp tại vùng sâu vùng xa.
"Với hiệu quả từ dự án đã triển khai trong giai đoạn trước, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ ngành điện Việt Nam, cung cấp vốn cho EVN để nâng cao năng lực quản lý và mở rộng lưới điện," bà nhấn mạnh.
Theo Đức Duy (Vietnam+)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn