Ngày 6/3, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang tổ chức hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2012”, tập trung vào các ngành hàng quan trọng như gạo, chăn nuôi, thủy sản, cà phê và ca cao.
Tham dự hội thảo có chuyên gia của các tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới và trong nước như: Ngân hàng thế giới, Tổ chức Nông Lương LHQ, Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ủy ban Nghiên cứu kinh tế nông nghiệp và Nguồn lực Australia, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, các hiệp hội….
Hội thảo đánh giá cao thành công trong tổ chức ngành hàng: Mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết công tư, nối kết người sản xuất với chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường nông sản trong nước… và khuyến cáo, trong năm 2012 và tương lai cần thực hiện linh hoạt các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng thị trường, tăng cường đầu tư cho việc tăng giá trị nông phẩm.
Đặc biệt, ngoài việc dự báo cung- cầu, giá cả cũng như các chủ trương chính sách mới cho phát triển các ngành hàng nông sản trọng điểm, đa số các chuyên gia cho rằng, năm 2012 và những năm tiếp theo, thị trường nông sản trong và ngoài nước vẫn có những biến động khó lường do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Học giả hàng đầu về kinh tế nông nghiệp, Giáo sư Peter Timmer nhận định, trong vòng 50 năm tới nông nghiệp sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, là cơ hội cho các luồng đầu tư.
Riêng về Việt Nam, các chuyên gia đánh giá, năm qua nền kinh tế tăng trưởng chậm lại với nhiều bất ổn, lạm phát cao, khả năng thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng, cán cân thương mại thâm hụt, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Trong tình thế này, nông nghiệp được coi như cứu cánh của cả nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4%, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, tạo giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD (chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước) và là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng đạt 18 tỷ USD năm 2011.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho rằng mặc dù Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos tháng 1/2012 đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam và coi đây là điển hình về phát triển nông nghiệp tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, giá trị nông sản của Việt Nam chưa cao. Việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp.
Theo bà Lis Rosenholm, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam: “Tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là yếu tố rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Nền nông nghiệp Việt Nam đã từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu hướng tới việc nâng cao hiệu quả, chất lượng và tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, Việt Nam cần phải cam kết và thực hiện để nông dân là người hưởng lợi chính từ sản xuất nông nghiệp.”
Bà Yuriko Shoji, Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam cho rằng, để thực hiện được các dự án gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, Việt Nam phải đặc biệt lưu tâm đến việc giữ nguồn đất cho sản xuất, nguồn nước ổn định phục vụ tưới tiêu và phải tạo ra môi trường sản xuất nông nghiệp an toàn.
Nhiều chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tăng giá trị nông sản, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho sản xuất nông nghiệp, phải có giải pháp kịp thời để gỡ khó cho nông dân và doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó đặc biệt là vấn đề về vốn cho sản xuất và phương thức tiếp cận các thị trường tiềm năng./.
Theo Omard
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn