Nông dân, phụ nữ chung tay xây đường kiểu mẫu
Mới đây, Hội Nông dân (ND) huyện Gia Lâm phát động phong trào thi đua “Nông dân Gia Lâm xây dựng cánh đồng sạch, tuyến đường nông thôn kiểu mẫu” nhằm góp phần hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận.
Gắn biển công trình ''Tuyến đường nông dân kiểu mẫu'' tại huyện Gia Lâm. Ảnh: T.L
Trong đó, Hội ND huyện đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản như: 100% cơ sở hội chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức đảm nhận công trình phần việc của Hội ND, xây dựng và gắn biển ít nhất 1 tuyến đường nông dân kiểu mẫu với chiều dài tối thiểu của tuyến đường là 150m và được xác định là công trình phần việc chào mừng đại hội đảng bộ xã, thị trấn và đại hội đảng bộ huyện; 100% các cơ sở hội xây dựng ít nhất 1 “Cánh đồng sạch” và gắn biển nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội ND Việt Nam; chào mừng đại hội đảng bộ thành phố, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII...
Không riêng gì huyện Gia Lâm, phong trào thi đua làm cánh đồng sạch, tuyến đường nông thôn kiểu mẫu đã được nhân rộng ở nhiều nơi thuộc huyện Sóc Sơn.
Tự hào về sự đổi thay của làng quê, bà Nguyễn Thị Hợp - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Sơn (Sóc Sơn) cho hay, việc trồng cây xanh, trồng hoa bên đường đã được Hội triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến năm 2019, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng đề án “Tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu” giai đoạn 2019-2021 thì việc làm đó đã trở thành phong trào có sức lan tỏa, được các hội viên hưởng ứng, tham gia tích cực. Trong đó năm 2019, xã Nam Sơn đã xây dựng được 14 đoạn đường hoa dài 500m và 2 tuyến đường hoa dài 3,5km.
Theo bà Trần Thị Thu Hà- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn, để triển khai đề án đạt hiệu quả thiết thực, Hội đã khảo sát các tuyến giao thông nông thôn, nhất là các đoạn đường xa khu dân cư, điểm đọng rác gây ô nhiễm… sau đó giao các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đăng ký.
Trong năm 2019, các cấp hội đã xây dựng 45 tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu với chiều dài từ 500m trở lên, nâng tổng số tuyến đường hoa trên địa bàn lên 123 tuyến. Đặc biệt, các tuyến đường này không còn tình trạng đọng rác thải, nước thải; không có quảng cáo sai quy định; không viết, vẽ bậy lên tường…
Nguồn lực khổng lồ từ nhân dân
Theo ông Nguyễn Văn Chí-Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM TP.Hà Nội, ngay từ khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, thành phố đã thông qua kế hoạch phân bổ kinh phí đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mức tăng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Trong 10 năm qua, tổng kinh phí huy động thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đạt hơn 76,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư gần 26.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện hơn 32,2 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp xã hơn 3,4 nghìn tỷ đồng.
Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, thành phố đã vận động các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 14.700 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí thành phố đã huy động để thực hiện chương trình.
Đặc biệt, người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí là hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 1.000 hộ gia đình hỗ trợ bằng tiền và các hình thức quy ra tiền từ 100 triệu đồng trở lên. Nhiều hộ gia đình đóng góp đất là những cá nhân điển hình trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng NTM”.
Ông Vũ Quang Chuyển, người dân xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) cho biết: “Chỉ trong thời gian ngắn, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn của xã. Trong đó, gia đình tôi đã hiến 20m2 đất để làm đường giao thông rộng rãi. Từ khi xây dựng con đường mới, việc đi lại thuận tiện hơn nhờ lòng đường mở rộng, hai bên đường nhà cửa trang trí sạch đẹp, người dân chúng tôi rất phấn khởi”.
Theo Thiên Hương/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn