Những năm gần đây, người dân các xã Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn, Bồng Khê, Chi Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã tận dụng rất tốt điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế, trong đó có cây cam. Những trái cam chín vàng, ngọt lịm đã mang lại một cuộc sống mới cho bà con các dân tộc nơi đây.
Cây cam đã giúp nhiều bà con ở Con Cuông thoát nghèo.
Từ khi huyện Con Cuông có chủ trương đổi mới mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ người nông dân thì bà con ở các thôn, bản xã Yên Khê bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cam. Với một vùng đất đồi rộng lớn, thổ nhưỡng rất thích hợp lại nằm ở tiểu vùng khí hậu ôn hòa, cây cam nhanh chóng bén rễ và cho trái ngọt.
Đáng mừng hơn là giờ đây bà con nông dân đã “bắt tay” với các doanh nghiệp, tổ chức để sản xuất cam sạch, vừa nâng cao năng suất vừa đảm bảo được đầu ra. Điển hình như tại bản Pha (xã Yên Khê), mỗi vườn cam không chỉ cho thu hoạch hàng chục tấn trái mà còn giúp người dân chế biến nên nhiều sản phẩm độc đáo, vừa nâng cao giá trị trái cam, vừa góp phần phát triển du lịch địa phương.
Bắt đầu từ 2016, một số hộ trồng cam trong bản được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện nghiên cứu ngành nghề Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ, đầu tư sản xuất sạch và chế biến các sản phẩm từ cam. Làm cỏ, chăm sóc…, khâu nào cũng đều được kiểm soát và ghi chép đầy đủ. Nhờ đó mà cây cam có gốc khỏe, chịu được sâu bệnh và thời tiết. Cam ra trái nhiều, quả mọng, thơm ngon và đảm bảo an toàn.
Trong số các vườn cam được hỗ trợ thì vườn cam rộng đến 8ha của nhà ông Tăng Ngọc Sơn cây nào cũng trĩu trịt, ước chừng năm nay, mỗi héc-ta thu hoạch được 20-30 tấn quả. Theo ông Sơn, đặc điểm của cam ở đây là khi chín, quả vàng đỏ như mật, ăn ngọt lịm nên được nhiều thương lái tìm đến đặt mua từ khi còn xanh. Không chỉ bán cam, bà con trong bản còn biết làm du lịch mỗi mùa thu hoạch. Mỗi khách vào chủ vườn thu 30.000đồng/người vừa xem vườn, chụp ảnh, ăn thử và mua mang về.
Ngoài ra, từ năm 2016, Dự án đa dạng hoá sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp đã cung cấp cho các hộ trồng cam tại Bản Pha bộ thiết bị chế xuất tinh dầu cam, hệ thống sấy vỏ làm mứt, máy lọc rượu, đóng nắp chai…để có thể tận dụng chế biến toàn bộ các phần của trái cam. Ví như những trái non bị rụng sớm có thể lấy vỏ băm nhỏ, chưng cất tinh dầu ngay tại vườn. Rồi vỏ cam chín chế biến thành mứt cam. Rượu cam được làm từ những trái cam không đẹp mã lên men…Vậy là khách đến đây không chỉ tham quan mà còn có thể mua về các sản phẩm “đặc sản” của bản Pha như tinh dầu cam, xà phòng cam, men cam, mứt cam, rượu cam…
Được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực, đến nay toàn huyện Con Cuông có 255 ha cam trồng tập trung nhiều ở các xã Yên Khê, Chi Khê, Bồng Khê. Riêng xã Yên Khê chiếm tỷ lệ diện tích nhiều nhất với 192 ha. Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của địa phương, các hộ trồng cam ở huyện Con Cuông đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác loại nông sản, áp dụng mô hình trồng trọt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó mà cây cam ở Con Cuông từ lâu đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, là cây thoát nghèo cho nhiều bà con đồng thời khuyến khích hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy giá trị đặc hữu của địa phương.