Ngày 22/10, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo quốc tế “Cách tiếp cận phát triển nông thôn mới cho Việt Nam”.
Còn nặng hạ tầng, nhẹ phát triển sản xuất, môi trường, văn hóa
GS, TS Trần Duy Quý, đại diện PHANO, cho biết: Quá trình Đổi mới kinh tế đất nước đã gần 30 năm, nông nghiệp đạt thành tựu rất lớn. Đó là từ một nước sản xuất nông nghiệp nhưng hằng năm thiếu đói, nhập lương thực, nay đã là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy vậy, nông nghiệp vẫn chưa có sự tác động tương xứng với phát triển nông thôn và nhất là nâng cao đời sống cho người nông dân.
Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận rõ vấn đề này và đã có nhiều chủ chủ trương, chính sách và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đề ra thực hiện từ năm 2010-2020, triển khai trên địa bàn toàn quốc, với 9052 xã. Mục tiêu là đến năm 2015, có 20% số xã của cả nước đạt chuẩn NTM; đến năm 2020, có 50% số xã của cả nước đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT), cho biết: sau 3 năm thực hiện, công việc phát triển nông thôn chưa đạt được kết quả mong muốn do còn thiếu thống nhất về tiếp cận khoa học và kế hoạch hành động cụ thể. Cụ thể, có 93,1% số xã phê duyệt xong quy hoạch chung; 79,2 % số xã đã có đề án NTM được phê duyệt. Song, hạn chế trong quy hoạch là chất lượng thấp, thiếu kết nối vùng; chủ yếu là quy hoạch hạ tầng; chưa có cơ chế quản lý qui hoạch xây dựng nông thôn. Các đề án còn nặng về hạ tầng, nhẹ về phát triển sản xuất, môi trường, văn hóa; Giải pháp thiếu thực tiễn và không rõ nguồn lực.
Về phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho nông dân đã xây dựng được 7 ngàn mô hình, tập huấn cho 124 ngàn lượt, vốn hỗ trợ sản xuất 6.400 tỷ đồng; Xuất hiện nhiều mô hình mới: “cánh đồng mẫu lớn”, dồn điền đổi thửa gắn với cơ giới hoá sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao-nông nghiệp đô thị;
Tp. Hồ Chí Minh đạt giá trị sản xuất bình quân/ha năm 2012 là 239 triệu đồng/ha (tăng 72,5% so vơi năm 2009 khi bắt đầu NTM), Hà Nội đạt 199 triệu đồng/ha.
Nhưng hạn chế ở chỗ phương pháp dạy nghề còn bất cập, hiệu quả thấp; chưa thu hút được doanh nghiệp, liết kết sản xuất còn hạn chế, chưa hiệu quả; nhiều mô hình thành công chậm được tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Phát triển hạ tầng kinh tế xã hội được coi là khâu đột phá cho xây dựng nông thôn mới, nhưng chưa chú trọng đến công trình văn hóa, môi trường; chưa coi trọng duy tu, bảo dưỡng; nguồn lực chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tới thời điểm tháng 9/2013, hiện mới chỉ có 0,7% số xã đạt; 49,1% số xã chỉ đạt từ 5-9 tiêu chí; 5,1% xã đạt 15-18 tiêu chí; 18,3% xã đạt dưới 5 tiêu chí; 26,8% xã đạt 10-14 tiêu chí.
Không được đẩy nông dân di cư toàn bộ ra thành thị
Chặng đường trước mặt cho xây dựng NTM, TS Nguyễn Minh Tiến cho rằng, sẽ đối mặt nhiều thách thức: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về NTM còn chưa đúng và chưa đầy đủ; Hệ thống cơ chế chính sách chưa thực sự đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Nghị định 61 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, Nghị định 42 về bảo vệ đất lúa; các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành về các tiêu chí…; Năng lực cán bộ cơ sơ còn hạn chế; một số tiêu chí NTM chưa phù hợp với đặc thù của các vùng, miền; việc huy động nguồn lực cho Chương trình chưa tương xứng với mục tiêu; chưa có cơ chế lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn trên cùng địa bàn.
Do vậy, ông Tiến đề nghị, cần bổ sung hoàn thiện một số chính sách, hướng dẫn về xây dựng NTM. Trong đó, điều chỉnh cơ chế lồng ghép các nguồn vốn theo hướng phân cấp tối đa cho cấp tỉnh; khẩn trương ban hành Nghị định thay thế Nghị định 61 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNT; Xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết nông dân – khoa học – doanh nghiệp; Chính phủ có giải pháp cụ thể về hỗ trợ xi măng cho bê tông hoá giao thông nông thôn (đã nêu trong Nghị quyết kỳ họp tháng 7/2013); Quốc hội phát hành trái phiếu bổ sung nguồn lực cho xây dựng NTM (trong đó có trái phiếu xi măng); Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng cho PTSX trong NTM.
Đặc biệt, “quy hoạch sản xuất phải theo lợi thế, kết nối vùng, từng bước gắn với đầu tư hạ tầng, công nghiệp chế biến và gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”- ông Tiến nhấn mạnh.
Quan điểm phát triển nông thôn tổng hợp đổi mới của Phano, GS, TS Trần Duy Quý đề xuất liên quan đến 4 đặc điểm chính là: xây dựng chiến lược tổng hợp; đa dạng hóa sinh kế; dựa vào cộng đồng - do cộng đồng thực hiện; và xây dựng tăng cường năng lực thể chế nông thôn.
Bởi, theo GS Quý, “nếu chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp sẽ làm cho khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa do năng xuất lao động ở nông thôn thấp hơn. Muốn thu hẹp khoảng cách này cần áp dụng một chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn liền quá trình đô thị hoá với phát triển nông thôn, áp dụng chiến lược đô thị hoá phi tập trung phân bố cân đối trên các vùng lãnh thổ, vừa đô thị hoá vừa thúc đẩy phát triển nông thôn”. Hơn nữa, “phát triển nông thôn không chỉ dừng ở phạm vi cấp địa phương mà cần có chiến lược phát triển rộng lớn hơn của cả vùng nông thôn. Một ưu tiên rất quan trọng của phát triển nông thôn là tăng được thu nhập từ phi nông nghiệp ở nông thôn chứ không đẩy nông dân di cư toàn bộ ra thành thị gây bất ổn xã hội. Trong phát triển nông thôn, nông nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa trở thành ngành kinh tế sản xuất ra sản phẩm chất lượng theo nhu cầu của xã hội và cung cấp nguyên liệu cho chế biến nông sản tại chỗ, một nguồn thu phi nông nghiệp quan trọng”./.