Đến xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, ở khắp các bản làng người dân đều hồ hởi, phấn khởi, vì được công nhận là một trong hai xã điểm của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM.Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng La Văn Thạch cho biết: Xã có diện tích tự nhiên hơn 24 km 2 , với 14 thôn, bản, có hơn 1.120 hộ, với 5.250 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ. Trước những năm 2000, đời sống của bà con các dân tộc Tày, Nùng...gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 27%. Khi được chọn chỉ đạo điểm về xây dựng NTM, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo huy động sức dân, xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm: các công trình phúc lợi như: trường học, trạm y tế... Với tinh thần gương mẫu, đảng viên đi trước, làng nước theo sau, hầu hết các đảng viên từ Đảng ủy, đến các chi bộ cơ sở đều tuyên truyền vận động đảng viên, các hộ gia đình đóng góp công sức cho xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Hoàng Văn Khai cho biết, bốn năm qua bà con các dân tộc trong xã đã góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã đóng góp với tổng số tiền trị giá lên tới gần 30 tỷ đồng. Các công trình phúc lợi như: nhà văn hóa xã được người dân hiến gần 100 m 2 ; xây dựng sân khấu ngoài trời cho bà con vui xuân đón Tết, cả công trình trị giá hơn 47 triệu đồng. Nhờ những nỗ lực đó, năm 2014 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.Đến nay, hệ thống: đường, trường, trạm đầy đủ, khang trang, sạch đẹp; 14/14 thôn có đường bê-tông; trạm y tế xã, trường THPT và trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia... Trưởng thôn Quán Thanh Vi Ngọc Lưu tự hào nói: Nhờ phát triển trồng cây na và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đến nay trong thôn không còn hộ nghèo. Người dân quyên góp hơn 400 triệu đồng và được Nhà nước hỗ trợ xi-măng xây cầu dài 20 m, rộng 1,5 m bắc qua sông Thương. Từ khi có cây cầu, người dân trong thôn đi lại thuận lợi, không còn cảnh bị cô lập trong mùa mưa bão...
Cơ sở hạ tầng được xây dựng, bà con các dân tộc trong xã đã nỗ lực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là phát triển cây na dai, hơn 200 ha cây na được các hộ gia đình trồng dọc dãy núi đá vôi, trở thành cây chủ lực để xóa đói, giảm nghèo. Anh Lành Văn Bé, ở thôn Lăng Đồn cho biết: "Nhà tôi có sáu miệng ăn, những năm trước đói ăn triền miên, nhưng sáu năm nay gia đình đã thoát nghèo nhờ trồng cây ăn quả, với hơn một nghìn cây na dai và 300 cây bưởi diễn. Mỗi năm cho thu hoạch từ 200 triệu đồng trở lên". Trong thôn Lăng Đồn có 60 hộ thì hầu hết các hộ đều trồng cây na, mỗi năm hộ thu nhập ít nhất cũng 30 triệu đồng... Ngoài cây na, diện tích đất nông nghiệp đều được người dân đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như đưa giống mới khoai tây, dưa hấu, ớt... vào gieo trồng nên năng suất, sản lượng ngày càng tăng; hệ số sử dụng đất tăng từ hai đến ba vụ. Nhờ đó đời sống của người dân trong xã từng bước được nâng cao chất lượng, bình quân thu nhập đầu người từ 1,7 triệu đồng/ người, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,6%. Với nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong năm 2015, Chi Lăng có cơ sở phấn đấu thêm hai xã đạt chuẩn NTM.
BÀI VÀ ẢNH: HÙNG TRÁNG
Theo nhandan.org.vn