Kiến trúc nhà tái định cư Thủy điện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thực trạng sử dụng đất đô thị và khu dân cư nông thôn ở nước ta
Tính đến năm 2010, tài nguyên đất của nước ta hiện có 33.095.351 ha, đứng thứ 59 trong hơn 200 nước trên thế giới, là một trong những nước có diện tích đất đai bình quân đầu người thấp trên thế giới (khoảng 0,37 ha đất tự nhiên/người và 0,28 ha đất nông nghiệp/người). Trong tổng diện tích tự nhiên của cả nước có 90,44% diện tích đã được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích, cụ thể tình hình sử dụng đất đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2010 như sau:
Đất nông nghiệp: 26.197.449 ha (chiếm 79% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước), trong đó diện tích đất trồng lúa là 3.938.772 ha; Đất phi nông nghiệp: 3.671.388 ha (chiếm 11% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước), trong đó diện tích đất ở là 680.000 ha (đất ở tại nông thôn là 550 nghìn ha; đất ở tại đô thị là 131.000 ha); đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là 252.594 ha, đất có mục đích công cộng là 1.187.977 ha; Đất chưa sử dụng: 3.226.514 ha (chiếm 10 % tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước), trong đó chủ yếu là đất đồi núi chưa sử dụng (2.687.782 ha).
Năm 2010, cả nước có 726 đô thị, gồm 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 54 thành phố trực thuộc tỉnh, 43 thị xã và 624 thị trấn. Diện tích đất đô thị (theo địa giới hành chính phường, thị trấn) có 1.517 nghìn ha, chiếm 4,58% diện tích tự nhiên toàn quốc; Quy mô dân số đô thị là 26,22 triệu người (chiếm 30% dân số cả nước), mật độ dân số 1.734 người/km2.
Diện tích đất dành cho phát triển đô thị tăng nhanh; trong giai đoạn 2001 – 2010, đất đô thị tăng thêm 531 nghìn ha, bình quân tăng 53 nghìn ha/năm đã hình thành hệ thống mạng lưới đô thị phân bố tương đối hợp lý trên các vùng cả nước.
Bình quân đất đô thị của cả nước là 577 m2/người, tuy nhiên giữa các vùng có sự chênh lệch lớn, cụ thể: Trung du miền núi Bắc bộ 1.752 m2/người, Tây Nguyên 1.243 m2/người, Bắc Trung bộ 766 m2/người, Duyên hải Nam Trung bộ 703 m2/người, đồng bằng sông Cửu Long 695 m2/người, Đồng bằng sông Hồng 274 m2/người và Đông Nam bộ 187 m2/người. ( Bộ Tài nguyên và Môi trường , 2011).
Năm 2010, cả nước có 9.084 xã với quy mô dân số gần 61 triệu người (70%). Diện tích đất khu dân cư nông thôn có 2.976 nghìn ha, chiếm 8,99% diện tích đất đất tự nhiên, bình quân 490 m2/người. Đất ở nông thôn bình quân đầu người cả nước là 91 m2, thấp nhất là ở các vùng Đông Nam Bộ 72m2, Đồng bằng sông cửu Long 76m2 và đồng bằng sông Hồng 77m2, cao nhất là Trung du miền núi Bắc bộ và Bắc Trung Bộ 116 m2. Trong khu dân cư nông thôn thì tỷ lệ đất dành cho xây dựng các công trình công cộng còn thấp (chiếm khoảng 10,11%), nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đồng bào các dân tộc ít người.
Kiến trúc nhà ở nông thôn mới kế thừa bản sắc truyền thống tại Trung Quốc.
Chính sách đất đai hiện hành liên quan đến tái định cư
Luật Đất đai 2003, tại Điều 33, Khoản 4 quy định: “Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo các dự án của Nhà nước” tại Khoản 3, Điều 38 quy định: “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Khu tái định cư được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Trường hợp không có khu tái định cư thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền và được ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với khu vực đô thị; bồi thường bằng đất ở đối với khu vực nông thôn, trường hợp giá trị quyền sử dụng đất ở bị thu hồi lớn hơn đất ở được bồi thường thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền đối với phần chênh lệch đó”;
Các văn bản pháp quy, sau khi Luật Đất đai 2003 được ban hành, Chính phủ đã liên tục ban hành các Nghị định liên quan tới thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP) theo hướng mang lại lợi ích nhiều hơn cho người bị thu hồi đất.
- Nghị định 197/2004/NĐ-CP đã quy định cụ thể về tái định cư (TĐC) như sau:
Điều 33. “Lập và thực hiện dự án TĐC: “1. Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; căn cứ vào QHKHSDĐ được cấp có thẩm quyền xét duyệt, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập và thực hiện các dự án TĐC để bảo đảm phục vụ tái định cư cho người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở. 2. Việc lập dự án và xây dựng khu TĐC thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.”
Điều 34. “Bố trí tái định cư: 1. Cơ quan (tổ chức) được UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm bố trí TĐC phải thông báo cho từng hộ gia đình bị thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai phương án này tại trụ sở của đơn vị, tại trụ sở UBND cấp xã. 2. Ưu tiên TĐC tại chỗ cho người bị thu hồi đất tại nơi có dự án TĐC, ưu tiên vị trí thuận lợi cho các hộ sớm thực hiện giải phóng mặt bằng, hộ có vị trí thuận lợi tại nơi ở cũ, hộ gia đình chính sách. 3. Tạo điều kiện cho các hộ vào khu TĐC được xem cụ thể khu TĐC và thảo luận công khai về dự kiến bố trí quy định tại khoản 1 Điều này.”
Điều 35. “Điều kiện bắt buộc đối với khu TĐC: 1. Khu TĐC phải xây dựng phù hợp với QHKHSDĐ, QHXD, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng. 2. Khu TĐC phải được sử dụng chung cho nhiều dự án. 3. Trước khi bố trí đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, khu TĐC phải được xây dựng CSHT đồng bộ đảm bảo đủ điều kiện cho người sử dụng tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.”
Điều 36. Các biện pháp hỗ trợ sản xuất và đời sống tại khu tái định cư.
Điều 38. “Tái định cư đối với dự án đặc biệt. Đối với dự án do Chính phủ, Quốc hội quyết định mà phải di chuyển cả một cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội, truyền thống văn hoá của cộng đồng thì tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc trình Chính phủ xem xét quyết định chính sách TĐC đặc biệt với mức hỗ trợ cao nhất được áp dụng là hỗ trợ toàn bộ chi phí lập khu TĐC mới, xây dựng nhà ở, cải tạo đồng ruộng, xây dựng CSHT kinh tế - xã hội, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và hỗ trợ khác.”
- Nghị định 69/2009/NĐ-CP, đã bổ sung quy định về hỗ trợ TĐC tại Điều 19:
Nhà ở, đất ở tái định cư được thực hiện theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư. Đối với hộ gia đình, các nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở mà không có chỗ ở nào khác thì được giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư.
Hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở, nhà ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền tương đương với khoản chênh lệch đó. 2. Hộ gia đình, các nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở mà tự lo chỗ ở thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình tại Khu tái định cư tập trung trừ trường hợp đã được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư quy định tại Khoản 1 Điều này.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể tại địa phương quy định về suất tái định cư tối thiểu và mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.
Tình hình thực tiễn chính sách đất đai về đất ở khu tái định cư nông thôn
Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên Môi trường năm 2012 chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai, tổng diện tích đất đã thu hồi là 728 nghìn ha (trong đó có 536 nghìn ha đất nông nghiệp) của 826.012 hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Các tỉnh, thành phố thu hồi diện tích đất lớn là Đắk Lăk (114.524 ha), Điện Biên (66.944 ha), Sơn La (61.334 ha), Nghệ An (33.357 ha), Bình Phước (27.109 ha), Quảng Nam (24.541 ha), Quảng Ninh (13.529 ha), Gia Lai (12.301 ha). Tỉnh thu hồi diện tích đất ít là Vĩnh Long (325 ha), Tiền Giang (448 ha), Hậu Giang (974 ha).
Tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên thuộc dự án thủy điện Sơn La đã thu hồi 18.268 ha đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phải di chuyển và bố trí tái định cư cho 15.234 hộ nông nghiệp, 4.317 hộ phi nông nghiệp với 90.222 nhân khẩu…
Theo PGS.TS Trần Văn Tuấn (Đại học Khoa học Tự nhiên), 2008 với công tác di dân tái định cư (DDTĐC) thủy điện Sơn La nhìn chung các điểm TĐC có những điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội khá thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn cho bố trí và tổ chức TĐC. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện quỹ đất dành cho tái định cư (TĐC) hạn hẹp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho một hộ gia đình từ 1,0 - 2,0 ha và phần lớn là đất đồi núi phải tổ chức sản xuất và sử dụng tài nguyên đất như thế nào để đảm bảo tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống và phát triển bền vững.
Theo ông Phan Văn Thọ (Hội Khoa học Đất Việt Nam), theo quy định tại Luật Đất đai 2003 thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập và thực hiện các dự án TĐC trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở. Khu TĐC được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển “bằng hoặc tốt hơn” nơi ở cũ. Qua báo cáo của các địa phương cho thấy việc triển khai đầu tư xây dựng các khu TĐC tập trung còn chưa triển khai hoặc rất chậm.
Việc thiếu quỹ nhà, quỹ đất, thiếu kinh phí và chưa xác định tổ chức có chức năng xây dựng khu TĐC là tình trạng phổ biến và khá gay gắt, nhất là ở những nơi có nhu cầu TĐC lớn, như thành phố Hà Nội hiện nay quỹ nhà đất (chủ yếu là nhà chung cư) mới chỉ có đủ đáp ứng được khoảng 40%; TP HCM chỉ đáp ứng được khoảng 70% so với yêu cầu TĐC cho các hộ thu hồi đất để thực hiện các dự án.
Mặt khác, chất lượng của nhiều khu tái định cư kém, hạ tầng thiết yếu thiếu, không đồng bộ với quy hoạch khu dân cư, thói quen, tập quán sinh hoạt của đồng bào, nên việc thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gặp khó khăn hơn.
Giải pháp về đất đai đối với đất ở khu tái định cư nông thôn
Hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai: Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (Khóa XIII) đã thông qua Luật Đất đai mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014). Luật này có nhiều điểm mới, trong đó có vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC, cụ thể:
Luật đã quy định cụ thể về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong đó làm rõ các công trình thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh để tránh lạm dụng trong thực thi.
Bổ sung quy định khi thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn, Nhà nước lập quy hoạch và chủ động thu hồi đất, bao gồm đất để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và đất vùng phụ cận để đấu giá đất tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhằm điều tiết chung cho toàn xã hội và người có đất bị thu hồi.
Đổi mới về công tác bồi thường hỗ trợ TĐC thông qua các quy định: giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất; điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất.
Quan tâm hơn đến đảm bảo sinh kế cho người có đất thu hồi thông qua quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ TĐC đối với trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở.
Quy định trách nhiệm trong việc lập các khu TĐC đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền và quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường hỗ trợ TĐC.
Để Luật Đất đai đi vào cuộc sống, các quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ TĐC cần được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật đất đai, trong đó có vấn đề về đất ở với khu TĐC nông thôn. Tuy nhiên pháp luật đất đai về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ TĐC cũng chỉ quy định việc TĐC đối với các dự án cụ thể, trong đó có việc bố trí đất sản xuất và đất ở cho khu TĐC nông thôn.
Xây dựng chiến lược định cư đô thị và nông thôn: Vấn đề tái định cư và việc hình thành các khu ở mới tại các vùng nông thôn đồng bằng và miền núi nhằm giải quyết các vấn đề như: tái định cư khi xây dựng thủy điện, xây dựng các KCN, các KĐTM, khu ở mới…, thậm chí xây dựng những khu tái định cư mới để bảo tồn làng cổ… cần được hoạch định trong các chiến lược về định cư đô thị và nông thôn và là một bộ phận của chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (theo quyết định 432/2012/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch định cư đô thị và nông thôn: Xác định quy hoạch, kế hoạch định cư đô thị và nông thôn là một bộ phận của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất các cấp quốc gia; vùng, tỉnh, huyện. Riêng quy hoạch định cư Nông thôn cần gắn với yêu cầu Quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Vấn đề tái định cư và việc hình thành các khu ở mới tại các vùng nông thôn đồng bằng và miền núi cần được hoạch định trong các chiến lược về định cư đô thị và nông thôn và là một bộ phận của chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (theo quyết định 432/2012/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Xác định quy hoạch, kế hoạch định cư đô thị và nông thôn là một bộ phận của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất các cấp quốc gia; vùng, tỉnh, huyện.
Riêng quy hoạch định cư nông thôn cần gắn với yêu cầu Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới. Bổ sung quy định khi thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn. Đổi mới về công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư thông qua các quy định: giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
TS. Nguyễn Đình Bổng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất/TCKTVN
theo baoxaydung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn