Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Mừng ít, lo nhiều
Thứ ba - 02/10/2012 04:43
Chỉ có 9 tỉnh cấp giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, mới có 42 dự án của 42 doanh nghiệp trong tổng số 25.760 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi đầu tư, với mức ưu đãi rất hạn chế.
Đó là kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù có chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng rất ít doanh nghiệp được ưu đãi. Ảnh: Trần Bá Sẽ giảm số lượng và tăng mức ưu đãi Trước thông tin thống kê ảm đạm này, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo một Nghị định khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định cũ. Tuy nhiên, nếu như Nghị định 61 có tới 28 lĩnh vực nông nghiệp thuộc danh mục ưu đãi đầu tư thì theo dự thảo Nghị định mới, con số này rút xuống còn 15 lĩnh vực. Trước những băn khoăn về việc giảm số lượng các lĩnh vực được nhận ưu đãi này, trong một giải trình mới đây, Ban soạn thảo Nghị định mới khẳng định, mức ưu đãi lại lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp thuộc diện ưu đãi, khuyến khích đầu tư nếu được Nhà nước giao đất sẽ được miễn, giảm 50% hoặc 70% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách Nhà nước đối với dự án đầu tư đó; được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề cho công nhân… Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ kinh phí tương đương 50% thuế phải nộp cho ngân sách để doanh nghiệp chi phí quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; được hỗ trợ kinh phí tương đương 30% tổng thuế phải nộp cho ngân sách Nhà nước để chi cho công tác tham gia triển lãm, hội chợ, không quá 100 triệu đồng/năm. Doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu với mức 200.000 đồng/tấn với rau, quả, thịt sạch và được sử dụng 10% thuế phải nộp cho ngân sách hàng năm để đầu tư áp dụng khoa học công nghệ… Tính chung các mức hỗ trợ của Nhà nước sẽ ở khoảng 10% tổng nguồn vốn của dự án. Nhưng chưa vội mừng Tuy nhiên, những thông tin này không khiến cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vội mừng. Bởi, những gì đã diễn ra với Nghị định 61 khiến họ nản lòng. Nguyên nhân chủ yếu do quy định nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp phải được trích từ ngân sách địa phương nơi doanh nghiệp có dự án đầu tư. Theo đó, quy trình để được hưởng ưu đãi trở nên lòng vòng; hồ sơ đề nghị được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp gửi đến Sở KH&ĐT, sau đó được chuyển sang Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để lấy ý kiến thẩm định. Nếu được 2 sở này chấp thuận tính khả thi của dự án, hồ sơ lại được trả về Sở KH& ĐT để trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Theo khảo sát mới đây, khi được hỏi đã có 76% doanh nghiệp cho rằng, thủ tục phức tạp là trở ngại cho khả năng phát triển của họ trong 5 năm tới, trong đó 33% doanh nghiệp nói đặc biệt trở ngại. Chính vì thế, ưu đãi lớn hơn chưa hẳn đã là yếu tố hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vấn đề quan trọng để chính sách mới mang lại hiệu quả là doanh nghiệp cần được hưởng những ưu đãi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước mà không bị áp dụng cơ chế "xin - cho". Trong hội thảo mới đây nhằm lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, lãnh đạo Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Việc doanh nghiệp có thể tiếp cận những ưu đãi đầu tư nông nghiệp một cách dễ dàng chính là bước đệm cần thiết để đưa doanh nghiệp về nông thôn. Vốn này phải được đưa vào cơ sở, kết cấu hạ tầng để đảm bảo đó là nền tảng cho phát triển nông nghiệp ổn định, đồng thời phải được điều chỉnh theo hướng tăng dần. Vấn đề ở đây là chúng ta dùng như thế nào để vừa phù hợp với cam kết quốc tế, vừa để nông dân được hưởng lợi. Vì thế, vốn Nhà nước cần phải gắn với một số định chế tài chính (ví dụ như Agribank) hay các ngân hàng thương mại khác, nhằm tạo sự năng động để tín dụng của các ngân hàng, trong đó huy động được các nguồn vốn, đổ vào nông nghiệp. Có như vậy mới tạo nguồn lực để tiếp sức cho doanh nghiệp nông nghiệp phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện nay.