Đồng chí Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngành NN&PTNT đang triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây cũng chính là giải pháp để giải quyết mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là phát triển mô hình sản xuất, lấy người nông dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Xã Tiền An (TX Quảng Yên) đã hình thành vùng trồng rau màu tập trung mang lại hiệu quả cao. |
Tạo nền quan trọng
Trên thực tế trong những năm gần đây việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được thực hiện trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như bước đầu hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo quy mô tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất. Như đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Trong thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch rất quan trọng đặt tiền đề cho bước tái cơ cấu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững như: Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; chế biến gỗ; bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Hoành Bồ); phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt; nuôi trồng thuỷ sản trên biển; bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng Đề án rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch 3 loại rừng; phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Cùng với đó đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phát triển kinh tế thuỷ sản, dịch vụ chi trả môi trường rừng.
Cùng với việc khẩn trương hoàn thành các quy hoạch quan trọng, trong thời gian qua tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn, trực tiếp là các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nông - lâm - ngư nghiệp như: Chính sách về khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học công nghệ, tín dụng, đào tạo nghề, vệ sinh môi trường nông thôn... Đặc biệt để tạo tiền đề cho sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả sử dụng đất UBND tỉnh đã thực hiện phân bổ, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa đến năm 2015 là 26.590ha và đến năm 2020 là 25.000ha để đảm bảo an ninh lương thực cho 500.000 dân. Ngoài ra, phân bổ diện tích các vùng trồng rau, hoa, cây ăn quả, trồng cây dong riềng, mía tím ở các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.
Riêng đối với ngành kinh tế thuỷ sản, xác định đây là một trong những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh đã đặc biệt quan tâm có nhiều chính sách đầu tư cho khai thác đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản. Đó là, triển khai xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá tại khu vực Cô Tô; phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 6/7 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung trên biển; xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tại Vân Đồn...
Để sản xuất bứt phá
Nhìn lại kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm gần đây thấy rằng, nông nghiệp Quảng Ninh đã có những bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp. Cụ thể trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tạo ra hiệu quả rõ nét như vùng trồng na, vải ở Đông Triều, Uông Bí, trồng hoa, rau ở Hoành Bồ, Quảng Yên, vùng trồng dong riềng ở Bình Liêu, trồng ba kích ở Ba Chẽ, Hải Hà. Trong chăn nuôi đã có bước phát triển đáng kể về quy mô đàn và khối lượng các loại sản phẩm, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại được hình thành theo hướng nuôi công nghiệp. Trong sản xuất thuỷ sản toàn tỉnh đã có 10.565 tàu thuyền (trong đó có 176 tàu có công suất 90CV trở lên), trên 2.100ha ao, đầm, mặt nước trên biển với nhiều đối tượng nuôi mới như tôm sú, tôm he chân trắng, cá song, hàu Thái Bình Dương, tu hài, hải sâm và một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến đã phát triển phục vụ tốt cho tiêu thụ sản phẩm, trong đó tập trung vào chế biến gỗ, chè và thuỷ sản với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Đến nay toàn tỉnh có 605 cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản, trong đó có 348 doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ, 2 xưởng chế biến chè công suất 3.000 tấn/năm, 3 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 3.000 tấn/năm, 6 nhà máy chế biến thuỷ sản...
Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh cho biết: Nhờ sản xuất phát triển nên thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 14 triệu đồng/năm (năm 2012) và lên 16,5 triệu đồng năm 2013. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 26 xã cơ bản đạt tiêu chí (tăng 10 xã so với kế hoạch), bình quân các xã đạt 17,46 tiêu chí/xã; 37,38 chỉ tiêu/xã. Đến nay bình quân chung toàn tỉnh đạt 12,37/19 tiêu chí (bình quân cả nước đạt được 8,06/19 tiêu chí, khu vực miền núi phía Bắc đạt 6,3/19 tiêu chí). Cũng theo đồng chí Trương Công Ngàn thì trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần quan tâm hơn đến việc đưa lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển bứt phá hơn nữa. Đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Quảng Ninh. Điều đặc biệt quan tâm nữa là đầu tư nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nhất là ở vùng sâu, vùng miền núi, biên giới và biển đảo.
Ngọc Lan
Nguồn: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn