Xã Đạ K’Nàng là xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng. Nhiều năm trước, nông dân tại đây chủ yếu phát triển kinh tế từ trồng cà phê. Từ năm 2017, một số hộ trong vùng đưa giống chuối Laba về trồng và sau 3 năm đã hình thành vùng sản xuất nông sản lên đến 165ha.
Bà Võ Thị Thu, người đi tiên phong trong phát triển cây chuối Laba trên đất Đam Rông cho biết, bà từng trải qua nhiều nghề và chỉ khi bén duyên với cây chuối thì kinh tế gia đình mới khấm khá. Trước năm 2017, khi giá cà phê xuống thấp, bà Thu cùng người thân chuyển toàn bộ 5ha sang trồng chuối Laba.
“Khí hậu mát mẻ, đất nhiều dinh dưỡng nên chuối phát triển nhanh và cho trái nhiều, trái to. Đầu tư trồng một bụi có thể thu hoạch nhiều vụ”, bà Thu chia sẻ.
Chuối Laba là loại cây được người Pháp đưa về trồng ở Lâm Đồng khoảng 100 năm trước. Trái cây có sự nổi trội hơn so với các giống chuối thông thường vì mùi thơm đặc biệt, chuối dẻo và ngọt. Trong quá khứ, nông sản này từng được chuyển vào Hoàng cung triều Nguyễn dưới thời vua Bảo Đại để vua thưởng thức nên sản phẩm từng có tên gọi “chuối tiến vua”.
Cũng theo bà Thu, khi thu hoạch lứa chuối đầu tiên, bà cùng những người thân trong gia đình phải mang nông sản đến khắp các khu chợ, vựa thu mua trái cây để chào hàng. Thị trường lúc bấy giờ có phần bấp bênh, giá bán chưa cao nhưng so với cà phê thì gia đình bà vẫn có được nguồn thu nhập khá hơn.
Năm 2018, ông Nguyễn Huy Phương (chồng bà Thu) cùng 7 người khác lập ra Hợp tác xã chuối Laba Banana Đạ K’Nàng với diện tích trồng hàng chục ha. Cũng trong năm 2018, khi hợp tác xã đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ thì có người Nhật đến khảo sát chất lượng sản phẩm, sau đó đặt vấn đề tiêu thụ.
“Trước khi chấp nhận bao tiêu chuối, nhiều đoàn người Nhật đến tận nơi và tổ chức kiểm tra đi, kiểm tra lại rất nhiều lần. Ngoài kiểm tra về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng chuối, họ còn kiểm tra cả nguồn nước và đất ở vùng trồng cây”, ông Phương thổ lộ. Hiện nay, Hợp tác xã chuối Laba Banana Đạ K’Nàng đã đạt được hợp đồng xuất khẩu trực tiếp nông sản với một công ty của Nhật Bản trong thời gian 5 năm. Trung bình, mỗi tháng, hợp tác xã xuất khẩu khoảng 60 tấn", ông Phương chia sẻ.
Từ khi đạt được hợp đồng với người Nhật, nông dân vùng Đạ K’Nàng có được sự phát triển ổn định. Nhiều gia đình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối và liên kết với Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng để phát triển kinh tế.
Chị Kon Sơ Be Ly (dân tộc Dao) cho biết, gia đình trồng 4 sào chuối và đang được Hợp tác xã thu mua với giá ổn định 8.000 đồng/kg. “Nguồn thu ổn định nên thời gian tới gia đình mở rộng thêm diện tích trồng”, chị Ly chia sẻ.
Theo nông dân nơi đây, để phát triển 1ha chuối Laba, họ bỏ nguồn vốn khoảng 100-150 triệu đồng cho chi phí giống, phân bón và hệ thống tưới tiết kiệm. Trồng trong khoảng 12 tháng thì có thể thu hoạch và mỗi bụi có nhiều cây con nên có thể duy trì vườn trong khoảng 3 năm. Bà Võ Thị Thu chia sẻ: “Trung bình, mỗi năm, 1ha chuối cho thu hoạch từ 80-120 tấn trái. Với giá 8.000 đồng/kg như hiện nay, nhà vườn có thể lãi hàng trăm triệu đồng/vụ”.
Hiện sau khi thu hoạch, chuối được chuyển đến kho sơ chế của Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng để tuyển lựa, rửa sạch và đóng gói. Tại đây, chuối được phân nhỏ thành các chùm 3-5 trái với trọng lượng từ 0,6-0,7kg rồi cho vào các túi nylon để hút chân không và đóng vào thùng lớn chuyển cho đối tác.
Ông Nguyễn Huy Phương, Giám đốc Hợp tác xã chuối Laba Banana Đạ K’Nàng cho biết, hợp tác xã đang liên kết với 40 hộ dân trong và ngoài xã sản xuất chuối với diện tích 165ha. Các mô hình sản xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và thời gian tới sẽ chuyển sang quy trình GlobalGAP để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại vườn, mỗi bụi chuối được lắp đặt hệ thống chip điện tử để đối tác Nhật Bản nắm bắt thông tin về quy trình sản xuất, chất lượng nông sản.
“Đối tác Nhật Bản yêu cầu chúng tôi mở rộng vùng sản xuất lên 1.000ha và hợp tác xã đang lên phương án thực hiện. Trước mắt, chúng tôi sẽ phát triển lên 300ha và đầu tư, mở rộng cơ sở sơ chế, kho lạnh để bảo quản sản phẩm”, ông Nguyễn Huy Phương thổ lộ.
Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’Nàng đang phấn đấu xuất khẩu sang Nhật Bản 120 tấn/tháng trong năm 2020. Đồng thời nghiên cứu, thâm nhập các thị trường khó tính khác như Mỹ, Hàn Quốc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn